Thịt bò Úc tại Việt Nam: Cung đang vượt cầu

13:32' - 04/05/2016
BNEWS Theo một nhà điều hành công ty nhập khẩu bò Australia để nuôi vỗ béo, thị trường thịt gia súc nhập khẩu trong nước hiện đang ở trong tình trạng cung vượt cầu.
Mô hình nuôi vỗ béo bò Úc tại xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: TTXVN

Đài ABC của Australia vừa đưa tin, do nguồn cung dư thừa nên giá bán gia súc sống của Australia trên thị trường Việt Nam đang giảm mạnh, đồng thời khiến lượng gia súc xuất khẩu sang Việt Nam cũng chậm lại.

Năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu tới 311.523 đầu gia súc từ Australia (chủ yếu là bò) để vỗ béo rồi mổ lấy thịt và hiện giá bán ra đối với những gia súc được vỗ béo này đang giảm đáng kể. 

Trong khi đó, giá xuất khẩu gia súc sống của Australia đã tăng đáng kể chỉ trong một thời gian ngắn. Chính vì vậy số lượng gia súc của Australia xuất khẩu sang Việt Nam năm nay có dấu hiệu tăng chậm lại, với khoảng 20.000 đầu gia súc kể từ đầu năm tới nay.

Công ty Kết Phát Thịnh (KPT) hiện là một trong những nhà nhập khẩu gia súc lớn nhất của Việt Nam, dù mới chỉ đi vào hoạt động từ năm 2012. Giám đốc điều hành KPT, ông Võ Xuân Hòa cho biết do nguồn cung quá nhiều nên hoạt động kinh doanh trong ngành này bị ảnh hưởng. Ông cho rằng số lượng gia súc nhập về hiện quá nhiều so với nhu cầu ở Việt Nam, do vậy số gia súc nhập khẩu trong năm nay sẽ chỉ vào khoảng 200.000-250.000 đầu con.

Số lượng gia súc nhập khẩu từ Australia vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2014 khi các nhà sản xuất Australia nhắm tới thị trường nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Ông Võ Xuân Hòa cho biết riêng công ty của ông trong ba năm qua đã nhập gần 300.000 đầu gia súc và phải tiếp tục nuôi vỗ béo thì mới thu được lời do giá mua hiện giờ là gần 3 AUD/kg (1 AUD = 16.600 VNĐ).

Trước đây, với giá nhập khẩu chỉ khoảng 2,1 AUD/kg thì công ty có thể bán ngay cho các lò mổ cũng có lãi. Theo yêu cầu về tiêu chuẩn của nhà xuất khẩu gia súc sống Australia, các camera an ninh đã được lắp đặt tại tất cả cơ sở nuôi và giết mổ trâu, bò nhập từ Australia ở Việt Nam.

Ông Võ Xuân Hòa cho biết việc triển khai hệ thống theo dõi này đã khá ổn định, nhưng việc sửa chữa, bảo dưỡng lại khá tốn kém. Một vấn đề khác là ở một số nơi không phải lò mổ trong nhà và rõ ràng sẽ gặp khó khăn khi điều kiện thời tiết bất lợi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục