Thị trường bất động sản năm 2021 khó xảy ra khủng hoảng hay bong bóng

12:05' - 05/01/2021
BNEWS Năm nay khó có nguy cơ xảy ra khủng hoảng, ảo hay bong bóng và giá bất động sản dự báo sẽ tăng ở mức trên 10% so với năm 2020.

Năm 2021 là năm đầu tiên các cấp chính quyền địa phương mới nhận nhiệm vụ, chắc chắn sẽ có những động thái thúc đẩy phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản để tạo nguồn thu cho địa phương. Do đó, nguồn cung sẽ được bơm vào thị trường bất động sản nhiều hơn, phong phú hơn.

 Thông tin này được các chuyên gia bất động sản đưa ra tại toạ đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tổ chức sáng 5/1 tại quần thể nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Phúc.

Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2020, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh: Năm 2020 được đánh giá là năm chứng kiến nhiều biến động nhiều lĩnh vực nền kinh tế bởi COVID-19 và bất động sản cũng không nằm ngoài guồng quay bất định này. Thế nhưng, điểm khác biệt lớn nhất của thị trường địa ốc với nhiều mảng ngành chính là lấy lại đà phục hồi nhanh chóng ngay từ quý III/2020 trở lại đây.

Tại toạ đàm, ông Nguyễn Văn Đính đã dẫn số liệu của Bộ Xây dựng, trong quý III/2020, Việt Nam đã ghi nhận 36.884 giao dịch địa ốc thành công và lượng tiền nhà được trả trước cũng tăng đáng kể.

Một hiện tượng đáng chú ý là bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nhà đất vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Điều này được thể hiện rõ nhất qua thống kê qua 12 tháng/2020, tại hai thành phố lớn gồ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều chứng kiến bất động sản tăng giá xuyên mùa dịch.

 Đáng lưu ý, báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng nêu rõ xu hướng tăng giá bán sẽ tiếp tục duy trì nhờ nhu cầu nhà ở tăng do thúc đẩy phát triển các cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và lãi suất vay mua nhà giảm sẽ hỗ trợ quyết định mua nhà.

Với hai phiên thảo luận, các chuyên gia cũng chỉ ra xung lực mới cho các phân khúc tiềm năng trong bối cảnh kinh tế suy thoái cũng như thách thức và cơ hội cho thị trường bất động sản trong năm 2021.

 Ở phiên thứ nhất, đại diện các hiệp hội, chuyên gia đã trao đổi về chủ đề "Xu hướng mới, thị trường mới". Những dấu hiệu phục hồi tích cực của thị trường bất động sản lúc này, các xung lực mới mang tính vĩ mô có tác động tích cực, khơi thông đà phục hồi trong 2021 và mở đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới của bất động sản...

 Trên cơ sở nhận diện những lực đẩy tích cực tới thị trường, tại phiên 2 có chủ đề “Những làn sóng đầu tư mới”, các diễn giả đã cùng phân tích diễn biến các phân khúc cụ thể, tiềm năng, nguồn cung, cơ hội đầu tư và thị hiếu tại mỗi phân khúc trong ngắn và dài hạn.

 Đồng thời, nhận diện xu hướng dịch chuyển làn sóng đầu tư 2021, đặc biệt tại thị trường ven đô Hà Nội, Hồ Chí Minh và khu vực trung tâm các thị trường mới giàu tiềm năng gồm Hạ Long, Hải Dương, Bình Định, Quảng Bình, Kon Tum, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

 Thông qua đó, các diễn giả đưa ra khuyến nghị, tư vấn đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc lựa chọn phân khúc để phát triển sản phẩm cũng như đầu tư trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết thị trường bất động sản giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, ảnh hưởng đến 35 ngành nghề khác nhau, theo ông, thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn trong 5 năm qua và COVID-19 chỉ là yếu tố khiến khó khăn trầm trọng hơn. Thế nhưng, bối cảnh hiện nay là dịp để ngành nhìn nhận và tìm một hướng đi bền vững.

Đại hội Đảng lần thứ XI và XII đã xác định một trong 3 điểm nghẽn chính của kinh tế Việt Nam chính là cơ chế chính sách. Sự chồng chéo trong các luật như luật nhà ở, Luật Đất đai khiến thị trường gặp khó khăn. Từ 10/12/2015, tất cả các dự án đầu tư bị đình đốn nhưng độ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản có đỗ trễ đến 3 năm. Đến năm 2018, thị trường mới chứng kiến sự thiếu giảm nguồn cung, quy mô thị trường bị thu hẹp lại, giảm sản phẩm đưa ra thị trường, theo quy luật cạnh tranh, cầu nhiều cung thiếu thì giá sẽ tăng.

Tại TP HCM, tỷ lệ nhà ở cao cấp trên thị trường chiếm trên 50%, nhưng nhà ở giá thấp, giá phải chăng chỉ chiếm rất ít, theo ông đây là con số cho thấy sự phát triển chưa bền vững. Bất động sản cao cấp có thể giúp doanh nghiệp xây dựng nhanh thương hiệu và uy tín nhưng không phục vụ nhu cầu của số đông người dân.

Ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh, điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết cho bất động sản Việt Nam bởi các doanh nghiệp đều mong muốn môi trường kinh doanh đạt được sự công bằng, minh bạc, thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh.

Năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng cơ chế pháp luật khi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng sửa đổi đã được thông qua, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngày 18/12, Nghị định 148 đã được ban hành để sửa một số điều trong luật đất đai. Nếu đi mua tài sản trong một thửa đất của nhà nước, nếu mua cây cao sư để thuê đất làm resort thì thời hạn thuê đất sẽ được theo thời hạn của nhà đầu tư mới. Nghị định 148 giải quyết vấn đề dịch vụ công về đất đai, giao sổ đỏ tận nơi cho người yêu cầu.

Năm 2021 có điểm đặc biệt là luật đầu tư, luật xây dựng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. 2021 cũng đồng thời là năm kiểm soát hiệu quả covid-19, vaccine nghiên cứu thành công, nền kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng, năm tới Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi Luật nhà ở, từ đó ban hành nghị định, xây dựng lại chung cư cũ, sửa đổi quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản phân khúc nhà vừa túi tiền, trung cấp, giá cả hơp lý.

 

Theo ông Lê Hoàng Châu, nhận định năm 2021 là năm của bất động sản cao cấp chỉ mang tính chất tương đối, vì với sự tháo gỡ chính sách, thì nhà ở vừa túi tiền mới là phân khúc được các đơn vị hướng tới. Thành phố Thủ Đức, thành phố Phú Quốc được thành lập sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản phía Nam.

Đại diện HoREA cũng nhấn mạnh đến xu hướng ly tâm khi nhiều nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư các tỉnh. Theo ông, điều quan trong là các doanh nghiệp cần phải lựa chọn được địa bàn, người lãnh đạo địa phương là người có tâm nhìn, tâm huyết, lựa chọn những địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội, có nhiều nơi đang có nhiều tiềm năng. Cuối phần trình bày của mình, ông hy vọng các bên không bỏ lỡ cơ hội để phát triển sau COVID-19 và đồng thời cần phòng tránh rủi ro về pháp lý, tài chính doanh nghiệp, quy mô họat động phù hợp với quy mô và bộ máy tổ chức.

Nhận định về thị trường bất động sản năm 2021, các chuyên gia kinh tế khẳng định: Năm nay khó có nguy cơ xảy ra khủng hoảng, ảo hay bong bóng. Hơn nữa, bất động sản du lịch không chỉ hướng biển nữa mà lan tỏa cả vùng rừng núi và giá bất động sản dự báo sẽ tăng ở mức trên 10% so với năm 2020.

Đặc biệt, việc đầu tư vào bất động sản du lịch sẽ tập trung vào những dự án phát triển hạ tầng du lịch có quy mô lớn, đồng bộ - hiện đại về hạ tầng, đa dạng về chức năng cung ứng dịch vụ, có cơ hội khai thác kinh doanh tốt và bền vững./.

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục