Thị trường cao su thiên nhiên khó phục hồi

17:48' - 23/10/2017
BNEWS “Thị trường cao su thiên nhiên vẫn khó phục hồi trong thời gian tới” là thông tin được đưa ra tại Hội nghị cao su thường niên lần thứ 10 của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC).
Thị trường cao su thiên nhiên khó phục hồi. Ảnh minh họa: Hồ Cầu-TTXVN

“Thị trường cao su thiên nhiên vẫn khó phục hồi trong thời gian tới” là thông tin được đưa ra tại Hội nghị cao su thường niên lần thứ 10 của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh ngày 23/10.

Theo ANRPC, ngành cao su thiên nhiên thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn kéo dài từ năm 2012 đến nay do giá sụt giảm liên tục, làm ảnh hưởng đến đời sống của hơn 6 triệu người trồng cao su với trên 13,5 triệu ha; trong đó, 90% diện tích cao su với khoảng 12,2 triệu ha là của các nước thành viên ANRPC.

Từ cuối năm 2016 đến nay, giá cao su được cải thiện nhưng thiếu ổn định khi các yếu tố thuận lợi và rủi ro đan xen nhau, làm cho ngành cao su chưa phục hồi vững chắc và vẫn còn gây khó khăn cho các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị của ngành cao su, đặc biệt gây khó khăn lớn cho người trồng.

Ông A.Ajith Kumar, Chủ tịch ANRPC cho rằng, xu hướng giá thấp sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Sự sụt giảm kéo dài của nhu cầu và giá cao su thiên nhiên đang diễn ra chủ yếu là do sự mất cân bằng cung cầu, bắt nguồn từ các chu kỳ sản xuất điển hình của cây trồng lâu năm; sự suy yếu của các hoạt động công nghiệp trên toàn cầu và giá dầu tương đối thấp.

Theo ông Ajith Kumar, trong thời gian qua, Chính phủ và các tổ chức cộng đồng của từng quốc gia đã hỗ trợ người trồng cao su theo những cách khác nhau, nhưng chủ yếu là các biện pháp tạm thời để vượt qua giai đoạn giá thấp.

Với chủ đề “Tái cơ cấu chuỗi giá trị nhằm phục hồi sản xuất ngành cao su”, hội nghị lần này tập trung vào việc tìm kiếm các biện pháp bền vững, phù hợp với môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay để hỗ trợ cho ngành sản xuất cao su thiên nhiên phát triển bền vững trong thời gian tới.

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, để ứng phó, chống chịu với thời kỳ giá thấp có thể còn kéo dài trong vài năm tới, ngành cao su Việt Nam đã tìm những giải pháp tăng năng suất và hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng cao su thiên nhiên và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su cũng như gỗ cao su.

Ngành cao su Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triển theo hướng bền vững, ổn định về diện tích, gia tăng năng suất và sản lượng cao su thiên nhiên.

Đồng thời, thúc đẩy sử dụng gỗ cao su là nguyên liệu thân thiện môi trường, giảm rủi ro về thị trường và biến đổi khí hậu với những mô hình trồng xen hoặc trồng kết hợp để đa dạng nguồn thu nhập, giảm hóa chất...

Tham dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cũng cho biết, để hỗ trợ ngành cao su tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã quy hoạch đẩy mạnh việc tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước từ 18% như hiện nay lên hơn 30% và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su.

Đồng thời, quy hoạch diện tích cao su ổn định, cân đối với nhu cầu của thị trường và kế hoạch tái canh phù hợp để phát triển ngành gỗ cao su bền vững.

ANRPC được thành lập vào năm 1970 và hiện có 12 quốc gia thành viên, chiếm hơn 90% sản lượng cao su thiên nhiên của thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục