Thị trường châu Á chiều 12/3: Giá vàng dứt chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp

16:21' - 12/03/2024
BNEWS Giá vàng châu Á trượt khỏi mức cao kỷ lục vào chiều 12/3, khi giới giao dịch chuẩn bị đón báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ vào cùng ngày.

* Giá vàng dứt chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp

Giá vàng châu Á trượt khỏi mức cao kỷ lục vào chiều 12/3, khi giới giao dịch chuẩn bị đón báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ vào cùng ngày. Những thông tin trong báo cáo có thể cung cấp định hướng rõ ràng hơn về thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.178,53 USD/ounce vào đầu chiều (giờ Việt Nam) sau khi tăng chín phiên liên tiếp. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 0,2% xuống còn 2.185,00 USD/ounce.

Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường của ngân hàng IG, cho biết giá vàng chắc chắn sẽ phải tạm dừng đà tăng trong thời gian ngắn sau đợt tăng vọt gần đây.

Các thị trường đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ cho tháng 2/2024, dự kiến được công bố vào lúc 12 giờ 30 GMT ( 19 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam) ngày 12/3. Nhiều khả năng CPI của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng trước và duy trì tốc độ hàng năm ổn định ở mức 3,1%.

Các nhà giao dịch đang dự đoán Mỹ sẽ có từ 3 đến 4 đợt cắt giảm lãi suất, mỗi đợt 25 điểm cơ bản. Hiện thị trường đặt cược Fed có 70% khả năng thực hiện lần cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6/2024. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng . 

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạch kim giao ngay giảm 0,3% xuống 930,00 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạc tăng 0,1% lên 24,45 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, khép phiên 12/3, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 80,50 – 82,52 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.

 

* Chứng khoán châu Á phục hồi phần nào sau đợt bán tháo

Các thị trường chứng khoán châu Á chủ yếu tăng điểm vào chiều 12/3, khi nhà đầu tư tập trung số liệu lạm phát sắp được công bố của Mỹ.

Tình hình lạc quan trên các thị trường châu Á diễn ra bất chấp sự ảm đạm ở Phố Wall trước đó. Song giới phân tích cũng cảnh báo đợt phục hồi gần đây trên thị trường chứng khoán có thể bị đình trệ khi các nhà đầu tư chốt lợi nhuận và đánh giá triển vọng chính sách tiền tệ.

Có rất nhiều lo lắng trên các sàn giao dịch trước báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2024 của Mỹ. CPI bất ngờ vào tháng 1/2024 đã làm tiêu tan hy vọng ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn.

Tại Trung Quốc, các chỉ số chứng khoán chủ chốt đều tăng điểm với nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn dắt đà đi lên. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong phiên này tăng 3,32% (550,10 điểm) lên 17.137,67 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,41% (12,52 điểm) xuống 3.055,94 điểm.

Các thị trường Sydney, Seoul, Singapore, Taipei, Mumbai và Manila cũng đi lên trong phiên này.

Ngược lại xu hướng của đa phần các thị trường khu vực, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa giảm điểm do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư. Ngoài ra, những suy đoán rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vào tuần tới sẽ thay đổi chính sách tiền tệ cực lỏng từng giúp đồng yen mạnh lên. Chỉ số Nikkei 225 giảm 0,06% (22,98 điểm) xuống 38.797,51 điểm.

Tại thị trường trong nước, khép phiên 12/3, chỉ số VN - Index tăng 9,51 điểm (0,77%) lên 1.245,00 điểm. Chỉ số HNX - Index tăng 0,19 điểm (0,08%) lên 234,03 điểm.

 

* Căng thẳng tại Trung Đông hỗ trợ giá dầu đi lên

Giá dầu châu Á tăng trong phiên chiều 12/3, do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục làm dấy lên nhiều lo ngại cho nhà đầu tư. Nhưng mức tăng bị hạn chế do triển vọng nhu cầu giảm và thị trường chờ đợi báo cáo hàng tháng từ các tổ chức dầu mỏ.

Phiên này, giá dầu Brent giao tháng 5/2024 tăng 37 xu Mỹ (tương đương 0,4%) lên 82,58 USD/thùng vào đầu giờ chiều theo giờ Việt Nam. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4/2024 cũng tăng 27 xu Mỹ (0,3%) lên 78,20 USD/thùng.

Trong khi xung đột Israel-Hamas không dẫn đến sự gián đoạn đáng kể về nguồn cung dầu, thì việc lực lượng Houthi tấn công các tàu ở Biển Đỏ và Vịnh Aden kể từ tháng 11/2023 cùng những vụ tấn công trả đũa từ lực lượng do Mỹ đứng đầu đã khiến thị trường “đứng ngồi không yên”. Diễn biến này đã hỗ trợ giá dầu đi lên.

Tuy nhiên, yếu tố hạn chế mức tăng là triển vọng nhu cầu yếu hơn và nguồn cung tăng từ các nhà sản xuất bên ngoài Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nguồn cung dầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục khoảng 103,8 triệu thùng mỗi ngày. Mức tăng gần như hoàn toàn do các nhà sản xuất bên ngoài OPEC và các nhà sản xuất lớn (nhóm OPEC+) thúc đẩy, bao gồm Mỹ, Brazil và Guyana.

Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2023 nhưng yếu hơn so với những tháng trước đó. Thông tin này cho thấy xu hướng giảm sức mua của thị trường nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới tiếp tục kéo dài.

Thị trường đang thận trọng chờ ước tính nhu cầu từ các báo cáo hàng tháng của OPEC, IEA và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Các nhà phân tích từ ngân hàng ANZ cho biết dù các ước tính sẽ khó thay đổi nhiều, bất kỳ sự bất ngờ theo hướng tích cực nào cũng sẽ giúp xoa dịu nỗi lo ngại về nhu cầu thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục