Thị trường chứng khoán thăng hoa có phải tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế?

14:15' - 26/02/2024
BNEWS Khi các nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản như cổ phiếu, bất chấp triển vọng u ám đối với nền kinh tế, điều đó sẽ làm giảm số tiền sẵn có cho các khoản đầu tư khác có thể xứng đáng hơn.
Khi cổ phiếu tăng giá, đó là một ngày tốt lành đối với thị trường. Nếu ngược lại, đó là một ngày tồi tệ. Người ta thường nói, chứng khoán không phải là hiện thân của nền kinh tế. Song điều đó không ngăn cản các chính trị gia và giới truyền thông đôi khi kết hợp cả hai vấn đề trên.

Theo ông Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng của UBS Global Wealth Management, việc hòa đồng nền kinh tế với thị trường chứng khoán thường gây hiểu lầm. Ông chia sẻ với Business Insider, quan điểm của bất kỳ thị trường nào là định giá tài sản một cách công bằng chứ không phải làm cho giá tài sản tăng cao hơn. Ông Donovan nói: “Nếu bạn có giá một tài sản đang tăng lên vì những kỳ vọng về tương lai là tích cực thì đó là điều tốt. Nhưng nếu bạn thấy giá tài sản tăng lên vì có bong bóng và nó ngày càng rời xa giá trị hợp lý thì điều đó không tốt”.

 
Ông Donovan lập luận rằng khi các nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản như cổ phiếu, bất chấp triển vọng u ám hoặc tiêu cực đối với nền kinh tế hoặc thu nhập trong tương lai, điều đó sẽ làm giảm số tiền sẵn có cho các khoản đầu tư khác có thể xứng đáng hơn.

Ông Donovan nói, cổ phiếu tăng giá là “tốt”, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Điều quan trọng là cổ phiếu phải được định giá hợp lý. Theo quan điểm của ông Donovan, trên thực tế, việc đầu tư vào một thứ gì đó vì bạn muốn nó tăng giá - thay vì vì bạn tin rằng nó được định giá khá cao - sẽ gây bất lợi cho khoản đầu tư cũng như nền kinh tế nói chung.

Một số chuyên gia nêu ví dụ là đồng bitcoin. Các nhà phân tích tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết giá trị hợp lý của bitcoin là bằng 0, bởi vì nó không có giá trị sử dụng trong thế giới thực và có thể gây ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết được. Theo quan điểm của ECB, bitcoin có rủi ro bùng nổ và sụp đổ, có thể gây ra thiệt hại tài sản thế chấp lớn và việc tăng giá phần lớn bắt nguồn từ việc thao túng giá và cường điệu hóa.

Ông Donovan nói: “Bất cứ điều gì dẫn đến giá tài sản bị bóp méo sẽ dẫn đến việc tiền được phân bổ sai và đó rõ ràng có thể là một vấn đề. Những gì bạn đang làm là đầu tư quá nhiều vào thứ gì đó không đáng giá vì đó là bong bóng và bạn đang đầu tư không đủ vào thứ có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế”.

Trong những tuần gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục, ngay cả khi các dự đoán về suy thoái kinh tế vẫn được đặt ra.

Ngày 22/2 vừa qua, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã phá kỷ lục được xác lập từ tháng 12/1989. Và trong phiên sáng 26/2 chỉ số này còn leo lên đỉnh mới 39.364,06 điểm. Đáng chú ý, kinh tế Nhật Bản hiện đang trong thời kỳ suy thoái kỹ thuật, điều này làm nổi bật sự mất kết nối giữa lòng nhiệt tình của nhà đầu tư và triển vọng nền kinh tế.

Cuộc khảo sát Nhà quản lý quỹ toàn cầu mới nhất của Bank of America, được công bố vào đầu tháng 2/2024, cho thấy các nhà đầu tư đã không lạc quan về thị trường cổ phiếu như hiện tại trong hai năm qua và báo cáo tâm lý khách hàng của Charles Schwab trong quý I/2024 cũng phản ánh kết quả tương tự. Hơn một nửa số người được hỏi cho thấy kỳ vọng tăng giá lần đầu tiên kể từ năm 2021, tăng từ mức 32% của quý trước đó.

Đối với ông Donovan , vấn đề không phải là mức tăng cổ phiếu gần đây là tốt hay xấu mà là liệu chúng có phản ánh chính xác triển vọng của các nhà đầu tư về nền kinh tế toàn cầu và thu nhập trong tương lai hay không.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục