Thị trường chứng khoán tuần từ 15 – 19/10: Diễn biến khó đoán định

14:23' - 14/10/2018
BNEWS Thị trường Việt Nam tuần từ (8 - 12/10) giảm rất mạnh, với hầu hết tất cả các nhóm cổ phiếu đều chịu áp lực bán tăng cao.
Chứng khoán ngày 21/9: VN – Index giữ vững mốc 1.000 điểm. Ảnh:TTXVN

Đặc biệt là cú “sụt” bất ngờ vào phiên ngày 11/10, VN- Index đã giảm tới hơn 48 điểm. 

Cú sụt giảm mạnh này đã là nguyên nhân chính khiến VN - Index giảm 38,31 điểm xuống 970,08 điểm trong tuần qua. Trong khi đó, HNX - Index giảm 4,91 điểm xuống 109,77 điểm.

Không những giảm điểm mạnh, thanh khoản thị trường trong tuần qua cũng giảm so với tuần trước, nhưng vẫn ở mức cao với trung bình hơn 6.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Phiên hồi phục cuối tuần VN – Index tăng 2,6%, được giới phân tích đánh giá đây chỉ là phiên hồi kỹ thuật.

Nếu so với phiên VN – Index giảm tới 4,8% vào ngày 11/10 thì mức hồi phục thì vẫn là khá nhỏ.

Nếu “đổ lỗi” cho thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh và thị trường Chứng khoán Việt Nam giảm theo cũng không hẳn đúng.

Rõ ràng, sự hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam vào phiên cuối tuần diễn ra trong bối cảnh chứng khoán Mỹ vẫn đang giảm rất mạnh.

Theo giới phân tích, thị trường đột nhiên giảm mạnh mà nguyên nhân không đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế thì rất có thể trong dài hạn thị trường sẽ tăng trở lại.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2018 đạt 6,98% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 8 năm qua.

Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng quý III/2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 64,73 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn nữa, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III sắp tới, có thể là cơ hội tốt cho nhà đầu tư đón "sóng" tăng nhờ mùa báo cáo này.

Với kết quả kinh tế vĩ mô vẫn rất tốt thì nhiều khả năng, các doanh nghiệp vẫn làm ăn có lãi và nhờ thế cổ phiếu của doanh nghiệp cũng được đà tăng theo.

Những yếu tố này có thể là bệ đỡ về mặt tâm lý, giúp nhà đầu tư vững tin hơn. Tuy nhiên, có lẽ vẫn còn quá sớm để cho rằng xu hướng điều chỉnh của thị trường đã kết thúc.

Thực tế, xét về nội tại các nhóm cổ phiếu tuần giao dịch qua đều có diễn biến tương đồng với thị trường chung.

Nếu nhìn vào diễn biến giao dịch của các nhóm cổ phiếu, cũng chưa thể khẳng định thị trường sẽ được dẫn dắt bởi nhóm nào, khi mức giảm trong tuần qua quá lớn và phiên cuối tuần cũng chưa có tín hiệu rõ ràng cho sự hồi phục bền vững.

Nhóm dầu khí giảm mạnh nhất với 7,6% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu như PLX giảm tới 7%, PVD giảm 10,5%, PVS giảm 9,9%), PVB 8,9%, POW giảm 5%, BSR giảm 12,2%...

Mặc dù phiên cuối tuần nhóm cổ phiếu dầu khí hồi phục, nhưng mức hồi còn khá yếu ớt và chưa có gì đảm bảo chắc chắn rằng nhóm dầu khí sẽ hồi phục bền vững trở lại.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng đồng loạt giảm sâu với: VCB giảm 3,5%, BID giảm 4,8%, CTG giảm 6,3%, VPB giảm 5,8%, TCB giảm 3,7%, MBB giảm 8%, EIB giảm 4,5%, STB giảm 5,4%, ACB giảm 4,8%), SHB giảm 6,7%)...

Vào phiên cuối tuần có nhiều mã ngân hàng tăng trưởng tốt, dòng tiền nội mua mạnh nhiều mã trong nhóm cổ phiếu này và khối ngoại cũng mua ròng lớn.

Tuy nhiên, với diễn biến thị trường chung như hiện nay thì cũng rất khó đoán định rằng, sự hồi phục này là chắc chắn.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán thường diễn biến theo thị trường chung và tuần qua cũng không ngoại lệ.

Các cổ phiếu chứng khoán giảm rất sâu với: SSI 5,1%, HCM giảm 4,8%, VCI giảm 7,6%, VND giảm 7,3%, SHS giảm 9,9%, MBS giảm 8,1%, FTS giảm 1,8%...

Thị trường đang diễn biến khó lường và nhóm chứng khoán cũng khó lường theo. Nguy cơ giảm điểm vẫn hiện hữu khi thị trường chứng khoán thế giới vẫn còn tiềm ẩn rủi ro giảm điểm, trong khi những thông tin vĩ mô tích cực đã được công bố từ lâu có lẽ chỉ còn tác dụng nâng đỡ thị trường tránh khỏi việc giảm quá sâu, chứ chưa đủ mạnh để giúp thị trường bật tăng.

Thực tế, nếu thị trường chứng khoán thế giới còn tiếp tục có những cú sụt giảm mạnh có thể khiến giới đầu tư trong nước sẽ có những băn khoăn, lo ngại.

Hiện tại, diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới là khó đoán định.

Chuyên gia phân tích Charles Schwab nhận định, tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu vẫn khá khó đoán định giữa bối cảnh lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng gần đây, dẫn đầu là trái phiếu chính phủ, cũng như những lo ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ quá vội vàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất chấp những rủi ro ngày càng tăng.

Sự sụt giảm này tác động lớn đến thị trường chứng khoán Mỹ, khiến các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua.

Việc này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần lên tiếng chỉ trích Fed về tốc độ tăng lãi suất, làm gia tăng lo ngại về sự độc lập của thể chế tài chính này.

Ngoài ra, những yếu tố khác gây ra những lo ngại cho giới đầu tư bao gồm tình hình bất ổn trên các thị trường mới nổi, tăng trưởng giảm tốc tại Trung Quốc và cuộc đối đấu giữa Italy và Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề ngân sách.

Theo nhà phân tích Patrick O'Hare của Briefing.com, thị trường chứng khoán Mỹ đang chịu sức sép kể từ khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức hơn 3% hồi tuần trước, một diễn biến bất ngờ làm dấy lên lo ngại về tình trạng kinh tế tăng trưởng quá nóng, đẩy cao lạm phát và làm tăng khả năng Mỹ nâng lãi suất với mức độ mạnh hơn.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, tuần qua là tuần bán ròng mạnh của khối ngoại. Theo đó, khối này đã bán ròng hơn 580 tỷ đồng trên cả hai sàn niêm yết. Cụ thể, trên HOSE khối ngoại bán ròng hơn 530,13 tỷ đồng và HNX là hơn 50,06 tỷ đồng.

Với diễn biến khó lường của tình hình thế giới, cùng với diễn biến giao dịch nội tại của thị trường, tuần tới là tuần khó đoán định diễn biến giao dịch của thị trường chứng khoán Việt.

Có lẽ vì vậy mà các công ty chứng khoán đưa ra nhận định khá khác nhau cho diễn biến giao dịch của thị trường trong tuần tới.

Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt cho rằng, các chỉ số đồng loạt phục hồi mạnh mẽ trong phiên cuối tuần, sau phiên giảm điểm bất ngờ trước đó.

Tuy vậy, một phiên tăng chưa thể là tín hiệu đảo chiều đáng tin cậy. Xu hướng giảm vẫn đang là chủ đạo. Sẽ cần nhiều phiên tích cực để các chỉ số có thể khôi phục lại xu hướng tăng.

Trong khi đó, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đưa ra quan điểm không quá lạc quan, nhưng vẫn nghiêng về kịch bản tích cực cho diễn biến của thị trường.

Công ty này cho rằng, những thông tin tiêu cực từ thị trường thế giới sẽ luôn là những yếu tố bất ngờ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, nhưng với tình hình hiện tại thì có lẽ xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về tăng nhẹ.

SHS dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (15 - 19/10), VN-Index có thể sẽ đi ngang và hướng lên với mục tiêu là vùng 975-995 (MA5-20 tuần).

SHS khuyến nghị, nhà đầu tư cần quan sát kỹ thị trường trong phiên, nhất là tại vùng giá nhạy cảm 975-995 điểm (MA5-20 tuần) và có thể cân nhắc chốt lời hàng bắt đáy hoặc hạ tỷ trọng tại đây.

Vùng 930 - 940 điểm sẽ tiếp tục là hỗ trợ quan trọng của thị trường và chỉ khi vùng này bị xuyên thủng, xu hướng của VN-Index mới thực sự trở nên tiêu cực.

Dưới góc nhìn của Chuyên viên phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường tuần tới có khả năng diễn biến tích cực.

Chuyên viên của BVSC cho rằng, mặc dù có tuần sụt giảm mạnh nhưng phiên tăng điểm đã giúp thị trường đóng cửa trên vùng hỗ trợ 918 - 933 điểm và có cơ hội hình thành xu hướng tăng điểm trên khung tuần.

Trong tuần tới, chỉ số sẽ hướng tới vùng kháng cự 975- 990 và sau đó xác định định hướng trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục