Thị trường đặt cược khả năng Fed tăng lãi suất mạnh hơn trong tháng Bảy

19:08' - 14/07/2022
BNEWS Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong tháng này, sau khi một báo cáo lạm phát không mấy khả quan cho thấy áp lực về giá.

Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong tháng này, sau khi một báo cáo lạm phát không mấy khả quan cho thấy áp lực về giá - vốn đã ở mức cao nhất trong hơn 40 năm - đang ngày một nặng nề.

 

Áp lực ngày một gia tăng

Một loạt các quan chức thuộc ngân hàng trung ương Mỹ trong vài tuần qua đã báo hiệu họ sẽ ủng hộ mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ hai liên tiếp tại cuộc họp chính sách sắp tới vào ngày 26 - 27/7.

Nhưng sau khi số liệu mới nhất công bố ngày 13/7 từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chi phí khí đốt, thực phẩm và tiền thuê nhà tăng cao khiến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm trước, quan điểm của những quan chức này có thể đã thay đổi.

Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic, cho biết số liệu lạm phát mới nhất có thể yêu cầu các quan chức xem xét mức tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng Bảy. Trong khi chia sẻ rằng ông cần phải nghiên cứu kỹ hơn về tình hình thực tế, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta cũng cho rằng những số liệu mới nhất cho thấy quỹ đạo lạm phát chưa di chuyển theo hướng tích cực như kỳ vọng.

Trước cuộc họp tháng Sáu, Fed đã từng cân nhắc việc tăng thêm 50 điểm cơ bản trước khi đổi ý vào phút cuối và chọn mức tăng tới 75 điểm cơ bản, chủ yếu do báo cáo lạm phát tồi tệ hơn dự kiến cho tháng Năm.

Theo phân tích của sàn giao dịch hàng hóa CME Group, các nhà giao dịch hợp đồng tương lai gắn liền với lãi suất chính sách của Fed hiện đang đặt cược có 70% khả năng Fed tăng lãi suất tới 1 điểm phần trăm tại cuộc họp sắp tới. Con số này tăng so với mức ghi nhận trước khi báo cáo giá tiêu dùng Mỹ tháng Sáu được công bố, dù bản báo cáo này cũng cho thấy lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) đang chậm lại.

Nhưng ngay cả việc lạm phát lõi giảm tốc tăng trưởng hàng năm từ mức 6,0% trong tháng Năm xuống 5,9% vào tháng Sáu, mức giảm này vẫn thấp hơn dự kiến của các nhà kinh tế. Đáng lo ngại hơn, tính theo cơ sở hàng tháng, CPI lõi lại tăng 0,7% sau khi đã tiến 0,6% vào tháng Năm và lên mức cao nhất trong một năm.

Cả hai thước đo trên đều không phải tin vui cho Chủ tịch Fed Jerome Powell, người đã đặt niềm tin lớn vào việc lạm phát toàn phần đang tăng chậm lại, trong khi chi phí khí đốt và thực phẩm tăng cao vẫn có tác động quá lớn lên các hộ gia đình điển hình tại Mỹ.

Những áp lực giá đó đang làm dấy lên lo ngại rằng nếu Fed không bắt đầu kiểm soát lạm phát sớm, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ dần coi tốc độ tăng giá chóng mặt trong tương lai là cố hữu và thay đổi hành vi chi tiêu. Điều đó buộc Fed phải hành động mạnh mẽ hơn nữa.

Không chỉ riêng Fed, các ngân hàng trung ương khác cũng đang cảm thấy “sức nóng” từ lạm phát. Ngân hàng trung ương Canada (Ca-na-đa) hôm 13/7 đã tăng lãi suất chuẩn thêm 100 điểm cơ bản - một động thái gây bất ngờ và là mức tăng lớn nhất trong gần 24 năm qua của ngân hàng này - nhằm “hãm phanh” lạm phát.

Rủi ro suy thoái lớn dần

Việc lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao  trong thời gian dài cùng mức độ “mạnh tay” cần thiết của Fed để kiềm chế giá tăng cũng một lần nữa làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế đang cận kề.

Một cuộc khảo sát của Fed đối với các công ty trên toàn quốc được công bố vào cuối ngày 13/7 cho thấy tâm lý bi quan về triển vọng nền kinh tế đang gia tăng. Gần một nửa số quận có trụ sở của các ngân hàng chi nhánh báo cáo các công ty nhận định nguy cơ suy thoái kinh tế ngày một lớn. Cùng với đó, tất cả các quận này đều báo cáo mức tăng giá đáng kể và hầu hết những doanh nghiệp được hỏi đều cho rằng áp lực về giá sẽ còn kéo dài ít nhất tới cuối năm.

Cũng trong tuần này, Fed đã công bố một nghiên cứu dựa trên mô hình hóa lợi suất thị trường trái phiếu. Kết quả cho thấy khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong năm tới vào khoảng 35% nếu Fed giữ nguyên lộ trình tăng lãi suất cơ bản dự kiến, nhưng ở mức 60% nếu Fed loại bỏ chính sách tiền tệ thích ứng nhanh hơn.

Ông James Knightley, trưởng nhóm kinh tế quốc tế tại ngân hàng ING, cho biết giữa lúc điều kiện nguồn cung không có dấu hiệu cải thiện, Fed sẽ phải kiềm chế lạm phát thông qua lãi suất cao hơn để cho phép nhu cầu phù hợp hơn với điều kiện cung. Khi đó, mối đe dọa suy thoái cũng gia tăng.

Fed mới bắt đầu thắt chặt chính sách vào tháng Ba và đã tăng lãi suất chuẩn thêm 1,5 điểm phần trăm. Các thị trường tài chính hiện dự đoán rằng lãi suất chuẩn của Mỹ sẽ đạt khoảng 3,5% -3,75% vào cuối năm, cao hơn mức mà chính các nhà hoạch định chính sách của Fed đã dự đoán chỉ ba tuần trước.

Bên cạnh đó, một thị trường lao động thắt chặt đã chống đỡ được trước những đợt tăng lãi suất chóng mặt của Fed, với tỷ lệ thất nghiệp vẫn gần mức thấp kỷ lục là 3,6%. Tuy nhiên đây được coi là con dao hai lưỡi, vì nó cũng làm dấy lên lo ngại rằng tình trạng cạnh tranh khốc liệt để thu hút lao động như vậy cuối cùng sẽ phải “hạ nhiệt” để giảm bớt đà tăng lạm phát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục