Thị trường điện thoại di động và laptop trước cơ hội tăng trưởng mới

12:12' - 14/02/2021
BNEWS Dự báo sản lượng tiêu thụ của smartphones tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng với tốc độ CAGR là 7,4%/năm giai đoạn 2020-2025

Thị trường điện thoại di động và laptop được nhận định đứng trước cơ hội tăng trưởng mới từ xu hướng “cao cấp hoá” của người dùng, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang thúc đẩy xu hướng này diễn ra nhanh chóng.

*Động lực cho tăng trưởng

Đối với thị trường điện thoại di động, theo Euromonitor, doanh thu trên toàn thị trường tăng trưởng với tốc độ CAGR (tốc độ tăng trưởng hằng năm kép) giai đoạn 2020-2024 là 19%/năm; trong đó, sản lượng tiêu thụ tăng ở mức CAGR khoảng 3,9%/năm. Điều này thể hiện rằng giá bán bình quân (ASP) tăng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh số trên thị trường.

Bên cạnh đó, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tạo cơ hội cho các nhà phân phối được ủy quyền của Apple tại Việt Nam gia tăng thị phần.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng - PHS, Nghị định mới 98/2020 đang tạo cơ hội lớn hơn cho các đại lý phân phối chính thức. Nghị định 98/2020 áp dụng mức phạt tiền tối đa là 200 triệu đồng đối với hàng hóa xách tay, không có hóa đơn hoặc giấy tờ của hải quan sẽ bị coi là hàng lậu.

Như vậy, Nghị định 98/2020 sẽ mang lại lợi ích cho các nhà phân phối được ủy quyền của Apple thúc đẩy mở rộng thị phần, trước bối cảnh quy mô thị trường xách tay khá lớn hiện nay tại Việt Nam.

Ngoài ra, điện thoại di động 5G là bước tiến mang tính đột phát với tốc độ cao có thể thay thế hoàn toàn wifi và vượt trội so với 4G sẽ tạo khác biệt về trải nghiệm đặc biệt trong công việc, học tập, giải trí, giao tiếp online. Trong khi đó, các sản phẩm cao cấp mới được trang bị phần cứng kết nối mạng 5G, còn các sản phẩm thấp cấp thì không có được điều này.

Euromonitor dự báo sản lượng tiêu thụ của smartphones tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng với tốc độ CAGR là 7,4%/năm giai đoạn 2020-2025, bù đắp cho sự sụt giảm mạnh về sản lượng tiêu thụ điện thoại phổ thông.

Các nhà phân tích từ PHS dự đoán sự chuyển dịch sang điện thoại thông minh sẽ diễn ra nhanh chóng hơn do Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai rất nhiều biện pháp để hỗ trợ người dân trang bị smartphone, từ đó loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào mạng viễn thông 2G. Theo lộ trình, đến quý I/2022 Việt Nam sẽ bắt đầu tắt sóng viễn thông 2G.

Về việc triển khai mạng 5G, ngày 9/2, Viettel chính thức khai trương mạng 5G tại tỉnh Bình Phước và trở thành nhà mạng đầu tiên triển khai công nghệ này tại đây. Như vậy, Bình Phước là địa phương tiếp theo sau Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức (T.p Hồ Chí Minh) và thành phố Bắc Ninh được phủ sóng 5G Viettel.

Đối với thị trường laptop, theo Euromonitor, quy mô thị trường máy tính xách tay tại Việt Nam trong năm 2020 ước tính hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm trước đó nhờ nhu cầu học tập, làm việc tại nhà tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Số lượng laptop sản xuất trong năm nay ước tính tăng 6% lên 170 triệu chiếc. Trong giai đoạn 2020-2024, doanh thu laptop sẽ duy trì mức ổn định trên 10.000 tỷ đồng/năm và tăng trưởng sản lượng tiêu thụ cho kênh doanh nghiệp khoảng 1%/năm nhờ gia tăng số lượng “công nhân cổ trắng”. Đây là một trong những nguồn nhân lực có nhu cầu sử dụng máy tính xách tay để phục vụ trong công việc trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và hòa nhập với sự phát triển của thế giới.

Ngoài ra, chiến dịch số hóa của Chính phủ trong doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng nhằm thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), bao gồm cả laptop.

Thị phần máy tính xách tay có giá trên 14 triệu đồng/chiếc tăng từ 46% năm 2017 lên 60% trong 5 tháng đầu năm 2020. Điều này cho thấy người tiêu dùng đang chuyển sang các loại máy tính xách tay có thương hiệu tốt, chất lượng cao hơn, chức năng mạnh mẽ cho mục đích công việc và khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn để có được các sản phẩm này.

*Doanh thu điện thoại và laptop tăng mạnh

Mảng điện thoại và laptop trong năm qua tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ hàng công nghệ.

Các doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty cổ phần Thế giới số (mã chứng khoán: DGW). Kết thúc năm 2020, DGW đạt doanh thu thuần 12.535 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2019, nhờ ngành hàng kinh doanh cốt lõi là điện thoại di động và máy tính xách tay tăng trưởng hơn 60%.

Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 253 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2019 nhờ tái cấu trúc chi phí hoạt động hiệu quả, đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục. Với kết quả kinh doanh này, công ty vượt 23% kế hoạch doanh thu và vượt 25% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Biên lợi nhuận gộp vẫn duy trì ở mức 6,3%.

DGW cũng gặt hái kết quả kinh doanh ấn tượng trong tháng đầu tiên của năm 2021 với mức doanh thu đạt 2.311 tỷ đồng; trong đó, doanh thu Iphone gần 600 tỷ đồng, chiếm 26% tổng doanh thu.

Mức doanh thu của DGW trong tháng 1/2021 gần bằng mức cả quý I/2020. Theo đó, quý I năm ngoái, công ty chỉ đạt doanh thu 2.041 tỷ đồng.

DGW kỳ vọng mức doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế trong quý I/2021 lần lượt đạt 4.500 tỷ đồng, bằng khoảng 30% kế hoạch doanh thu năm và 95 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm.

Đối với Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (mã chứng khoán: FRT), về tổng thể năm 2020 doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này giảm sút mạnh khi chỉ đạt 14.666 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% và 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm đến 95% so với năm 2019.

Nguyên nhân giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này được giới chuyên gia lý giải là do sự bùng phát của đại dịch, cũng như chủ trương đầu tư mạnh cho chuỗi dược Long Châu của doanh nghiệp.

Dù vậy, nếu nhìn vào mảng laptop của FPT Shop thì mức tăng trưởng vẫn rất mạnh, đạt tới 60%, trở thành một trong những mảng đóng góp lớn vào doanh thu và lãi gộp của cả hệ thống.

Năm 2021, FPT Shop sẽ khai trương mới 30 trung tâm laptop trên khắp cả nước. Ảnh: FPT Shop

Nắm bắt cơ hội mới trước nhu cầu tăng cùng xu hướng cao cấp hoá tiêu dùng, đầu năm 2021, FPT Shop sẽ khai trương mới 30 trung tâm laptop trên khắp cả nước, mở đầu cho hành trình phát triển 68 trung tâm laptop đến từng tỉnh thành của hệ thống bán lẻ trong quý I/2021. Đây là những cửa hàng chuyên biệt, tập trung bày bán các sản phẩm laptop và nhiều phụ kiện có liên quan.

Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) cũng có mảng kinh doanh điện thoại di động.  Năm 2020, doanh thu thuần của chuỗi thế giới di động giảm 11,1%, xuống 29.525 tỷ đồng.

Tháng 12/2020, doanh thu thuần của thế giới di động giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ, xuống 2.514 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lượng cửa hàng cuối tháng 12/2020 chỉ còn 913 cửa hàng.

Thực tế, doanh thu cả chuỗi giảm do số lượng cửa hàng giảm, nhưng doanh thu mỗi cửa hàng được cải thiện dần từ 2,53 tỷ đồng trong tháng 9/2020 lên 2,72 tỷ đồng trong tháng 12/2020 đang là dấu hiệu tích cực.

Như vậy, có thể thấy mảng điện thoại và laptop đang trên đà hồi phục và có nhiều triển vọng. Thậm chí, mảng này đang trở thành động lực chính cho đà tăng trưởng mạnh mẽ của một số doanh nghiệp kinh doanh hàng công nghệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục