Thị trường hàng hoá 26 Tết: Nguồn cung đa dạng, giá cả hấp dẫn

16:09' - 25/01/2025
BNEWS Theo thông tin mới nhất, ngày 25/1 (tức 26 tháng Chạp) Tết Ất Tỵ, hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra sôi động từ cuối tuần trước do nhu cầu tăng trong dịp lễ ông Công ông Táo (ngày 23 tháng Chạp).

Theo báo cáo nhanh tình hình thị trường một số mặt hàng phục vụ Tết của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ngày 25/1 (tức 26 tháng Chạp) Tết Ất Tỵ, hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra sôi động từ cuối tuần trước do nhu cầu tăng trong dịp lễ ông Công ông Táo (ngày 23 tháng Chạp). Do đó, đến ngày 26 Tết âm lịch, người tiêu dùng tập trung mua sắm với mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại thực phẩm đồ khô…

 

Ngoài ra, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh, hoa quả chưa cao, thường tập trung vào những ngày sát Tết. Nguồn cung hàng hóa tại các chợ truyền thống cũng như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi rất dồi dào, hàng hóa đa dạng, phong phú.

Tại các hệ thống phân phối hiện đại, lượng khách hàng đến mua sắm được ghi nhận tăng 20-30% so với ngày thường. Những năm gần đây, người dân có xu hướng chọn mua hàng tại các kênh phân phối hiện đại nhiều hơn không chỉ bởi hàng hóa đa dạng, đảm bảo chất lượng, có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng, địa điểm mua sắm thuận tiện mà còn có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm.

Về giá cả, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được giảm giá lên đến 30-50%, nhiều hệ thống đã đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương với cam kết bảo đảm giữ ổn định giá bán trong thời gian 1 tháng trước và sau Tết, thu hút nhiều người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các hệ thống cũng đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu mua sắm hiện đại của người dân.

Tại các chợ truyền thống, nguồn cung cũng được tăng cường, nhu cầu mua sắm các loại thực phẩm tươi sống tăng hơn so với ngày thường, chủ yếu phục vụ liên hoan tất niên cuối năm. Giá các mặt hàng thực phẩm tại chợ có tăng nhẹ theo quy luật thông thường.

"Tới thời điểm hiện nay, giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết không tăng đột biến, giá thịt lợn ổn định so với ngày 23 tháng Chạp; giá tôm sú loại to tăng khoảng 5% so với ngày thường; giá gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp tương đối ổn định”, báo cáo chỉ rõ.

Một số loại hàng hóa khác như thịt gà, thịt bò, giá tương đương so với ngày 23 tháng Chạp. So với cùng kỳ năm trước, giá rau củ và một số loại hoa như cúc, ly, lay ơn, hoa hồng rẻ hơn khoảng 5-10% và không xảy ra hiện tượng khan hiếm.

Báo cáo từ các kênh phân phối cho thấy, đến thời điểm hiện nay, giá cả một số mặt hàng lương thực như các loại gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp ngon phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán có xu hướng tăng nhẹ, khoảng 5-7% (tùy thời điểm và khu vực) so với ngày thường, gạo tẻ thường vẫn giữ mức ổn định, nguồn cung dồi dào.

Cụ thể, giá gạo tẻ chất lượng cao miền Bắc dao động từ 25.000 - 42.000 đồng/kg, khu vực miền Nam từ 22.000 - 38.000 đồng/kg; giá gạo nếp tại miền Bắc từ 29.000 - 38.000 đồng/kg, tại miền Nam từ 27.000 - 34.000 đồng/kg. Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, như thường lệ, giá thực phẩm tươi sống có xu hướng tăng nhẹ trong những ngày gần Tết do nhu cầu tiêu thụ cao nhưng nguồn cung vẫn được bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Giá thịt lợn, giá thịt bò, gà tăng nhẹ khoảng 5% so với ngày thường.

Hiện tại, giá thịt lợn phổ biến ở mức: mông sấn 110.000-120.000 đ/kg, giá thịt lợn thăn, ba chỉ 130.000-150.000 đồng/kg; thịt bò thăn loại I từ 250.000-270.000 đồng/kg; giá gà ta lông 120.000-150.000đồng/kg; giá tôm lớt (loại 26-30 con/kg): 400.000-450.000 đồng/kg.

Đối với rau, củ do thời tiết thuận lợi nên nguồn cung rau củ quả khá dồi dào, đa dạng, giá cả ổn định. Giá một số loại rau củ hiện phổ biến như sau: bắp cải: 10.000-15.000 đồng/kg, su hào: 5.000 đồng/củ, xà lách: 15.000-30.000 đồng/kg, cà chua: 10.000-15.000 đồng/kg (tùy địa phương), khoai tây: 15.000-20.000 đồng/kg, súp lơ: 10.000-15.000 đồng/cây...

Giá một số loại trái cây ngon để trưng cúng trong dịp Tết như cam canh, quýt đường, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa... tăng nhẹ so với ngày thường. Cụ thể, thanh long 60.000-75.000 đồng/kg; xoài cát 50.000-60.000 đồng/kg; cam canh 50.000-70.000 đồng/kg; bưởi diễn 20.000-25.000 đồng/kg... Riêng với mặt hàng chuối xanh để phục vụ bày mâm ngũ quả ngày Tết theo phong tục cổ truyền có giá tăng cao so với ngày thường do nguồn cung bị ảnh hưởng sau cơn số 3 (bão Yagi), tại các chợ truyền thống, giá mặt hàng này dao động từ 100.000 – 250.000/nải, tùy từng nơi.

Với mặt hàng hoa, cây cảnh, năm nay, do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của hoa, cây cảnh nên nguồn cung dồi dào nên giá một số loại hoa có xu hướng giảm so với năm trước. Giá một số loại hoa ly từ 200.000 - 350.000 đồng/chục cành tùy loại; lay-ơn từ 80.000 - 100.000 đồng/chục; cúc đại đóa khoảng 40.000 - 60.000 đồng/chục; hoa hồng 50.000 - 70.000 đồng/chục... Riêng với hoa đào, cây quất cảnh bày Tết, giá tăng so với năm trước do nguồn cung tại một số vùng trồng ở miền Bắc bị hạn chế sau ảnh hưởng của bão số 3.

Mặt hàng thực phẩm chế biến có giá ổn định so với ngày 23 tháng Chạp. Cụ thể, giá giò lụa hiện phổ biến từ 150.000-170.000 đồng/kg, giá giò bò khoảng 280.000-300.000 đồng/kg, giá bánh chưng giao động từ 50.000-70.000 đồng/chiếc (tùy vào kích cỡ, khối lượng).

Giá rượu, bia, bánh mứt kẹo tương đối ổn định so với ngày thường và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do chi phí tăng. So với ngày 23 tháng Chạp, giá có xu hướng ổn định.

Cụ thể, bia lon Hà Nội giá từ 270.000-280.000 đồng/thùng; bia lon Saigon Special giá từ 340.000-350.000 đồng/thùng; bia lon Heineken giá từ 450.000 - 460.000 đồng/thùng; Cocacola, Pepsi giá từ 180.000-190.000 đồng/thùng; Vodka Hà Nội 700ml giá từ 120.000 - 130.000 đồng/chai; mứt Hà Nội giá từ 65.000-108.000 đồng/hộp 200-300gram; hạt hướng dương giá từ: 80.000-120.000 đồng/kg…

Vụ Thị trường trong nước dự báo, nhu cầu có thể tiếp tục tăng trong mấy ngày cận Tết, tuy nhiên do nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm vào dịp Tết.

Thời gian chuẩn bị mua sắm kéo dài nên giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung sẽ không biến động nhiều, giá tại các chợ truyền thống có thể tăng nhẹ theo quy luật thị trường trong khi tại các hệ thống phân phối hiện đại, hàng hóa được cam kết giữ ổn định giá bán, giúp người dân yên tâm sắm Tết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục