Thị trường hàng hóa toàn cầu lên xuống theo tín hiệu từ kinh tế Trung Quốc

17:00' - 23/08/2023
BNEWS Nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc đang là mối đe dọa lớn nhất đối với nhu cầu hàng hóa toàn cầu, khi hoạt động kinh tế và dòng tín dụng ở thị trường hàng đầu thế giới này xấu đi.
Nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc đang là mối đe dọa lớn nhất đối với nhu cầu hàng hóa toàn cầu, khi hoạt động kinh tế và dòng tín dụng ở thị trường hàng đầu thế giới này xấu đi nghiêm trọng đồng thời ảnh hưởng tới các mục tiêu tăng trưởng của nước này.

Thị trường hàng hóa cho đến nay vẫn giữ giá tốt hơn so với các loại tài sản khác dù tình hình nền kinh tế trở nên xấu đi. Sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế chống dịch COVID-19 mức tiêu thụ nhiên liệu của nước này đã tăng lên. Kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ phải tăng cường các biện pháp kích thích để hỗ trợ đà tăng trưởng kết hợp với sự phục hồi nhu cầu theo mùa cũng làm một số thị trường bớt lo ngại.

 
Dù vậy các thương nhân đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kéo dài trên thị trường bất động sản, tình trạng giảm phát, xuất khẩu suy yếu và đồng NDT xuống giá.

Trên thị trường, giá các kim loại cơ bản đã giảm so với mức cao nhất ghi nhận hồi tháng 1/2023 do nền kinh tế đang mất đà, làm giảm lợi nhuận tại các nhà máy luyện kim và chế tạo của Trung Quốc. Nhóm nhà máy này cũng ghi nhận lợi nhuận tồi tệ nhất trong nửa đầu năm nay. Trung Quốc sẽ công bố số liệu lợi nhuận công nghiệp tháng Bảy vào Chủ nhật tuần này (27/8) và nhiều khả năng sẽ cho thấy tổn thất sẽ còn lớn hơn nữa.

Đồng thời, theo số liệu do ngân hàng Goldman Sachs tổng hợp, lượng dự trữ đồng và nhôm - những kim loại cơ bản được sử dụng phổ biến nhất - đã giảm xuống. Trong đó, mức dự trữ đồng gần như đã chạm ngưỡng đáng ngại. Còn ngân hàng ANZ trong một báo cáo tháng này cho hay, khi các lực đẩy nhu cầu truyền thống đình trệ, động lực tăng trưởng mới từ các lĩnh vực năng lượng sạch đã hỗ trợ nhu cầu kim loại này.

Xây dựng tiêu thụ tới 40% nhu cầu thép của Trung Quốc, còn quặng sắt là nguyên liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế nước này. Việc thị trường đặt cược vào các biện pháp kích thích từ Chính phủ Trung Quốc đã giúp giữ giá các loại nguyên liệu này trên ngưỡng 100 USD/tấn.

Nhu cầu theo mùa cũng đang tăng lên khi thời tiết chuyển sang cái gọi là “những tháng vàng” cho hoạt động xây dựng, đồng thời gia tăng tốc độ sản xuất tại các lò luyện tháp và thu hẹp kho dự trữ quặng. Mặc dù vậy, tình trạng của thị trường bất động sản có thể khiến các nhà sản xuất thép thận trọng trong việc khai thác thêm hàng nhập khẩu để bổ sung nguồn cung.

Dầu thô là điểm sáng trong số các loại hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023. Tăng trưởng nhu cầu dầu thô của nước này trong năm nay dự kiến sẽ chiếm 40% tổng cầu thế giới. Nhưng đà phục hồi có thể đang gặp khó khăn khi các nhà máy lọc dầu giảm nhập khẩu và chuyển sang giảm lượng dự trữ kho.

Nhu cầu bổ sung kho dự trữ vẫn có thể kích thích hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng kết thúc vào tháng 7/2023. Nhưng phần lớn nhu cầu về các sản phẩm dầu là dành cho xuất khẩu, thay vì phục vụ trong nước. Ví dụ, xuất khẩu dầu diesel của Trung Quốc trong tháng Bảy đã tăng hơn gấp ba lần so với tháng trước đó.

Trong nước, bức tranh còn ảm đạm hơn. Hoạt động tiêu thụ dầu diesel đang bị hạn chế do hoạt động công nghiệp yếu, trong khi nhu cầu xăng bị thách thức do ngày càng nhiều người sử dụng xe chạy điện hơn.

Than là một nhiên liệu đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ các hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc đã tăng cả sản lượng và nhập khẩu than để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế, nhưng cuối cùng lại gây thất vọng. Điều này đã tạo ra tình trạng dư thừa than, khiến giá cả giảm sút.

Giờ đây, cao điểm về nhu cầu làm mát trong mùa Hè đã qua, đồng nghĩa nhu cầu sử dụng điều hòa - một nguồn tiêu hao điệu lớn - không còn quá cao. Các nhà máy điện có thể lựa chọn xả lượng than dự trữ nếu các chỉ số công nghiệp vẫn ảm đạm, qua đó gây thêm áp lực cho thị trường.

Tình trạng bất ổn kinh tế của Trung Quốc cũng có khả năng kiềm chế tốc độ nhập khẩu than vốn từng tăng chóng mặt của nước này. Cùng với đó, việc mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng, một loại nhiên liệu thay thế thân thiện hơn với môi trường, cũng có thể sẽ chậm lại do nguồn cung than dồi dào.

Ngoài ra, sự mất giá của đồng NDT khiến hàng hóa được thanh toán bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn. Đây cũng là một “cơn gió ngược” khác đối với người mua loại nhiên liệu này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục