Thị trường kỳ vọng vào sự xoay trục của các ngân hàng trung ương năm 2024

07:35' - 29/12/2023
BNEWS Hầu hết các ngân hàng trung ương lớn đều báo hiệu về khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2024.
Sự thay đổi này đánh dấu bước ngoặc của nền kinh tế toàn cầu, khi lãi suất cao đã gây ảnh hưởng đáng kể tới tăng trưởng của năm 2023, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị bao trùm và đe dọa tạo áp lực lớn hơn.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ đưa tin lạm phát đã giảm nhanh hơn dự kiến trong những tháng gần đây. Nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động đang hạ nhiệt ở cả châu Âu và Mỹ. Điều này khiến các ngân hàng trung ương lớn phải nhanh chóng thích nghi. Nhiều ngân hàng trung ương đã phát đi tín hiệu rằng lãi suất sẽ vẫn được giữ ở mức cao trong dài hạn, nhưng không loại trừ khả năng đường cong lãi suất đi xuống, muộn nhất là vào nửa cuối năm 2024.

 
Các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong cuộc họp cuối cùng của năm 2023 (ngày 14/12) đã giữ lãi suất cơ bản ở mức 4% lần thứ hai liên tiếp. ECB dự báo lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ giảm trong năm 2024, trước khi xuống dưới 2% vào năm 2026. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà điều hành chính sách tiền tệ châu Âu kỳ vọng việc giá cả tăng liên tục sớm được kiểm soát và có cơ sở để tiến tới hành động đảo chiều lãi suất trong thời gian tới.

Nhiều nhà phân tích nhận định ECB sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 6/2024. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát gần đây có xu hướng giảm, không loại trừ khả năng cơ quan điều hành chính sách tiền tệ châu Âu bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 3 hoặc tháng 4/2024, để hỗ trợ các nền kinh tế thành viên, vốn đang rất “ốm yếu” có thể phục hồi tăng trưởng.

Một ngày trước đó (ngày 13/12), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,50%. Các quan chức Fed đưa ra tín hiệu cho biết giai đoạn thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ có thể đã kết thúc và lãi suất sẽ giảm vào năm 2024. Theo dự báo được đưa ra sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Fed kỳ vọng sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất trong năm sau.

Tương tự, Ngân hàng trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, tức ngân hàng trung ương), Ngân hàng trung ương Canada (BoC) và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), cùng nhiều ngân hàng khác đều “chốt” năm 2023 bằng việc giữ nguyên lãi suất ở mức đỉnh của nhiều năm và dự báo đảo chiều chính sách tiền tệ trong năm 2024.

Trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, tức ngân hàng trung ương) tiếp tục giữ lãi suất chủ chốt ở mức thấp, thì sáu ngân hàng thương mại quốc doanh lớn của nước này, vào ngày 22/12, đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi. Các thị trường tin rằng đây là động thái mở đường cho khả năng PBoC sẽ sớm hạ lãi suất ngay từ những tháng đầu năm 2024.

Duy nhất Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), vốn được kỳ vọng sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ siêu lỏng, đã đưa ra quyết định đi ngược lại với dự báo của thị trường. Thống đốc BoJ, Kazuo Ueda, ngày 19/12, tuyên bố giữ nguyên mức lãi suất âm hiện có (lãi suất cho vay ngắn hạn -0,1%) và cho biết khả năng đạt được lạm phát 2% một cách ổn định đang "tăng dần". Ông Ueda lý giải việc duy trì chính sách lãi suất siêu thấp là nhằm đảm bảo tăng trưởng tiền lương và lạm phát ổn định cho nền kinh tế Nhật Bản.

Kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sắp tuyên bố chiến thắng trước đợt lạm phát tồi tệ nhất kể từ những năm 1970 và sẽ sớm cắt giảm lãi suất đã kích thích sự phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ xuống thấp hơn. Triển vọng cắt giảm lãi suất, sớm nhất là vào năm tới, có thể báo trước một thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ hơn và thậm chí có thể có những tác động chính trị ở những quốc gia đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử toàn quốc năm 2024, như Mỹ.

Mặc dù vậy, với lạm phát, lãi suất và mức tăng trưởng kinh tế khác nhau trên khắp thế giới, cách tiếp cận của các ngân hàng trung ương vẫn mang nhiều sắc thái riêng. Tại cuộc họp báo gần đây, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ không mất cảnh giác trước lạm phát. Trong khi, BoE tỏ ra thận trọng hơn. Các quan chức của ngân hàng này chia sẻ còn quá sớm để xem xét việc cắt giảm lãi suất chủ chốt. Điều đó trái ngược với tuyên bố của Fed rằng cơ quan này đã chuyển từ chính sách tăng lãi suất sang xem xét khi nào nên giảm lãi suất.

Theo ước tính từ chi nhánh Fed tại Atlanta, số việc làm được tạo ra ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chậm lại trong ba tháng tính đến tháng 12/2023 và tăng trưởng kinh tế có thể giảm xuống mức 1% hàng năm từ mức 5% trong quý trước đó. Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay đã tránh được một cuộc suy thoái kinh tế, nhưng tăng trưởng của khối này đã trì trệ trong hơn một năm nay và tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng ở một số quốc gia thành viên.

Hiện lạm phát đã giảm xuống mức 3,1% ở Mỹ và 2,4% ở Eurozone. Trừ phi lạm phát tăng trở lại, còn không chu kỳ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương có thể kết thúc. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng các tác động của việc tăng lãi suất thường có độ trễ và các thị trường sẽ cảm nhận ảnh hưởng của việc tăng lãi suất trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau đó. Điều này đặt ra rủi ro lớn cho các ngân hàng trung ương.

Các nhà đầu tư kỳ vọng cả Fed và ECB sẽ cắt giảm lãi suất tới 1,5 điểm phần trăm vào năm tới, bắt đầu từ tháng 3/2024. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương đang lo lắng rằng lạm phát sẽ tăng trở lại, nếu họ “nhấn phanh” quá sớm.

Nhiều nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã lên tiếng cảnh báo bước cuối cùng trong kế hoạch đưa lạm phát giảm từ 3% xuống mức mục tiêu 2% có thể là giai đoạn khó khăn nhất của các ngân hàng trung ương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục