Thị trường năng lượng châu Á khởi động năm 2018 đầy lạc quan

16:35' - 02/01/2018
BNEWS Giá dầu tại thị trường châu Á đồng loạt đi lên trong phiên giao dịch chiều ngày 2/1, sau khi ghi nhận mức giá mở cửa cao nhất kể từ năm 2014.
Giá dầu đồng loạt đi lên tại châu Á. Ảnh: Reuters
Làn sóng phản đối chính phủ dâng cao tại Iran và nỗ lực cắt giảm sản lượng tiếp tục được các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) kiên trì thực hiện là những nhân tố chính hỗ trợ giá dầu trong phiên.

Cuối phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 21 xu Mỹ (0,4%), lên 60,63 USD/thùng, sau khi chạm mức 60,74 USD/thùng vào giữa phiên, mức cao nhất kể từ tháng 6/2015. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tăng 31 xu Mỹ (0,5%), lên 67,18 USD/thùng, sau khi leo lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2015 là 67,29 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1/2014, giá hai loại dầu chủ chốt này mở cửa trên ngưỡng 60 USD/thùng.

Công ty Schork Report có trụ sở tại Mỹ cho biết, bất ổn gia tăng tại Iran đang khiến thị trường năng lượng khởi đầu năm 2018 khá tự tin khi hoạt động sản xuất dầu mỏ tại nước này bị gián đoạn. Vào ngày 31/12 vừa qua, các cuộc biểu tình tại Iran bước sang ngày thứ tư liên tiếp với hàng nghìn người tuần hành tại nhiều thị trấn và thành phố của nước này, trong đó có Mashhad, thành phố lớn thứ hai của Iran, và một số thành phố khác, phản đối tình trạng lạm phát và thất nghiệp tăng cao. Một số tòa nhà chính phủ được cho là đã bị tấn công. Đây là thách thức về bất ổn chính trị lớn nhất đối với chính quyền Iran kể từ năm 2009.

Ngoài tình hình bất ổn tại Iran, dự trữ dầu thô toàn cầu sụt giảm và đà tăng trưởng kinh tế khả quan tại nhiều khu vực trên thế giới đã khiến giới đầu tư bớt quan tâm hơn tới việc đường ống dẫn dầu Forties tại khu vực Biển Bắc thuộc Anh và một đường ống dẫn dầu tại Libya bắt đầu nối lại hoạt động.

Dự trữ dầu thô của Mỹ hiện đã giảm gần 20% so với mức cao lịch sử được ghi nhân vào tháng 3/2017, xuống 431,9 triệu thùng. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”, đặc biệt là từ Trung Quốc, gia tăng cũng giúp hỗ trợ giá dầu.

Tuy nhiên, sản lượng dầu của Mỹ, hiện có khả năng sẽ sớm phá vỡ ngưỡng 10 triệu thùng/ngày, là nhân tố duy nhất đe dọa triển vọng "sáng"của thị trường năng lượng trong năm 2018.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục