Thị trường năng lượng và nguyên liệu công nghiệp biến động rất mạnh

09:09' - 10/02/2025
BNEWS Giá dầu thô kéo đà suy yếu sang tuần thứ ba liên tiếp, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2024.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động rất mạnh trong tuần giao dịch vừa qua (3-9/2). Giá nhiều mặt hàng tăng rất mạnh, trong đó có giá cà phê Arabica tăng vọt hơn 7% lên mốc lịch sử 8.914 USD/tấn. Trong khi đó, nhiều mặt hàng khác trong nhóm nguyên liệu công nghiệp và năng lượng lại lao dốc. Đáng chú ý, giá dầu thô kéo đà suy yếu sang tuần thứ ba liên tiếp, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2024.  Đóng cửa tuần, lực mua chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index tăng 1,38% lên 2.318 điểm.

 

*Giá dầu lao dốc tuần thứ ba liên tiếp

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (3-9/2), giá dầu thô thế giới rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2024 trong bối cảnh lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng trong tương lai.

Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm hơn 1%, xuống mức 74,6 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm hơn 2% xuống mức 71 USD/thùng.

Trong phiên đầu tiên của tuần, giá dầu tăng nhẹ do chính quyền của ông Trump đã hoãn áp thuế lên Canada và Mexico, trong khi OPEC+ lại cam kết tăng dần sản lượng dầu từ tháng 4 và loại Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ khỏi các nguồn được sử dụng để giám sát sản lượng và việc tuân thủ các hiệp ước cung cấp dầu.

Liên tục các phiên tiếp theo, giá dầu liên tục lao dốc do lo ngại về chính sách áp thuế của Mỹ lên hàng hóa của Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 4/2.

Yêu cầu "gây áp lực tối đa" của Tổng thống Trump lên Iran cũng khiến giá dầu giảm sâu trong tuần. Ngay sau thông tin này được đưa ra, giá dầu trong phiên đã có thời điểm giảm hơn 3%.

Giá dầu giảm còn do báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) về tồn kho dầu của Mỹ tăng 8,7 triệu thùng, cao hơn rất nhiều lần so với dự kiến của các nhà phân tích; tồn kho xăng tăng 2,2 triệu thùng. Trong khi đó, ông Trump vẫn cứng rắn thúc đẩy tăng sản lượng khai thác dầu trong nước.

Phiên cuối tuần, giá dầu nhích tăng nhẹ nhờ thông tin tích cực từ dấu hiệu kinh tế Mỹ mạnh lên sau khi tỷ lệ thất nghiệp tháng 1 bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng là 4%. Ngoài ra, lo ngại rằng nguồn cung dầu thô toàn cầu có thể thắt chặt đang thúc đẩy giá sau khi Mỹ tăng cường lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran.

Như vậy sau ba tuần ông Trump chính thức nhậm chức, giá dầu đã được trả về vùng giá cuối năm 2024, xóa bỏ hoàn toàn những thành quả đã đạt được trong 4 tuần tăng nóng từ cuối 2024 sang 2025.

Giới chuyên gia dự báo, vùng giá 70 USD/thùng có thể là vùng giá phù hợp với dầu thô vào thời điểm này. Tuy nhiên, vẫn rất khó dự báo rằng giá dầu nào sẽ "đủ thấp" trong bối cảnh hiện nay.

*Thị trường cà phê diễn biến trái chiều

Theo MXV, tuần giao dịch vừa qua, thị trường tiếp tục dành chú ý tới thị trường cà phê khi giá Arabica xác lập kỷ lục lịch sử mới - 8.905 USD/tấn. Trong khi đó, giá mặt hàng cà phê Robusta hạ nhiệt do lực bán mạnh của nông dân Việt Nam sau Tết Nguyên đán.

Cụ thể, giá cà phê Arabica tăng hơn 7% lên mức 8.914 USD/tấn, trong khi đó giá cà phê Robusta đánh mất gần 3% về mức 5.561 USD/tấn.

Ngay khi mở cửa tuần giao dịch, giá cà phê Arabica đã tăng 0,81% lên mức 8.397 USD/tấn trong bối cảnh đồng Real (Brazil) tăng giá, trong khi đồng USD rời xa mốc 108 điểm. Bên cạnh đó, lo ngại về tình hình nguồn cung tại Brazil và Việt Nam đã đẩy giá cà phê lên đỉnh.

Liên tiếp trong ba phiên tiếp theo, giá cà phê liên tục tăng, không có điểm dừng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/2, giá cà phê Arabica tiếp đà tăng và đạt mức kỷ lục mới trong lịch sử là 8.905 USD/tấn, kéo dài chuỗi tăng sang phiên thứ 12 liên tiếp, một chuỗi tăng giá ấn tượng và kéo dài trong bối cảnh giới đầu cơ tăng mua đúng thời điểm nguồn cung hạn chế.

Tồn kho Arabica do ICE giám sát đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng rưỡi với gần 850.000 bao, giảm hơn 14% so với mức cao nhất được ghi nhận vào ngày 6/1. Sự sụt giảm đáng kể trong lượng tồn kho phản ánh tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu, khi nhu cầu tiêu thụ đang vượt xa nguồn cung sẵn có trên thị trường.

Tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường cà phê toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại Colombia - nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới, khi cả giá nội địa và xuất khẩu đều duy trì ở mức đỉnh lịch sử. Tương tự, các quốc gia Trung Mỹ và phần lớn các nước sản xuất cà phê chất lượng cao cũng báo cáo tình trạng tồn kho sụt giảm mạnh. Đồng Real (Brazil) tiếp tục tăng giá so với đồng USD đã hỗ trợ giá cà phê Arabica trong phiên.

Trái ngược với diễn biến giá của mặt hàng cà phê Arabica, trong tuần qua, giá cà phê Robusta trải qua các phiên tăng giảm xen kẽ, biến động liên tục. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ 6, giá mặt hàng này xuống mức 5.561 USD/tấn. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam mới công bố cuối tuần qua, tháng 1, khối lượng cà phê xuất khẩu của nước ta giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước nhưng lại tăng 5% so với tháng trước; giá trị xuất khẩu cũng tăng 6,2%. Sự gia tăng xuất khẩu, phản ánh nguồn cung dồi dào hơn đẩy ra thị trường. Thông tin này cũng góp phần gia tăng áp lực lên giá cà phê Robusta trong phiên giao dịch cuối tuần. Theo MXV, sau khi tăng nóng 12 phiên liên tiếp, nhiều khả năng giá cà phê Arabica sẽ có nhịp điều chỉnh kỹ thuật giảm trong tuần này.

Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (10/2), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong khoảng 128.500 - 129.500 đồng/kg, đi ngang so với cuối tuần trước nhưng tăng 700-800 đồng/kg so với đầu tuần trước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục