Thị trường nông sản thế giới tuần qua: Nhà đầu tư bán tháo trên sàn Chicago

20:17' - 23/01/2021
BNEWS Giá nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ giảm mạnh do các nhà đầu tư tiến hành bán tháo.

* Thị trường nông sản Mỹ:

Trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn giảm mạnh trong phiên ngày 22/1, trong đó giá ngô giảm nhiều nhất.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 3/2021 giảm 23,75 xu Mỹ (4,53%) xuống 5,005 USD/bushel.

Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 58,5 xu Mỹ (4,27%) xuống 13,1175 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 3/2021 giảm 26,25 xu Mỹ (3,97%) xuống 6,435 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá nông sản kỳ hạn trên CBOT giảm mạnh do các nhà đầu tư tiến hành bán tháo. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo trong tuần qua tính đến ngày 14/1, Mỹ bán 12,1 triệu bushel lúa mỳ và 66,8 triệu bushel đậu tương.

Trong niên vụ 2020-2021, Mỹ đã bán 785 triệu bushel lúa mỳ, tăng 5% so với niên vụ trước, 1.843 triệu tấn ngô (tăng 131%) và 2.108 triệu bushel. Ngoài ra, Mỹ còn bán 2,115 triệu tấn đậu tương.

*Thị trường gạo châu Á:

Nguồn cung thực phẩm toàn cầu cơ bản siết chặt và gián đoạn vận chuyển do đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 gây ra đang làm tăng giá gạo, loại lương thực chính quan trọng nhất của hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Giá gạo chuẩn đã tăng 20-45% ở các nước sản xuất gạo chính của châu Á vào năm ngoái, trong khi nhu cầu về gạo chất lượng thấp hơn làm thức ăn chăn nuôi thay thế và chi phí vận chuyển tăng cao đang làm dấy lên lo ngại rằng các quốc gia nghèo hơn vốn phụ thuộc vào gạo nhập khẩu có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Đồng thời, theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc đã đẩy giá ngũ cốc toàn cầu lên mức cao nhất trong 6 năm.

Theo các nhà cung cấp địa phương, giá gạo tại Ấn Độ đã tăng lên 280 USD/tấn, miễn phí vận chuyển tại một số cảng của Ấn Độ, từ mức 260 USD trong tháng 12/2020 và có khả năng sẽ tăng cao hơn nữa.

Thị trường gạo toàn cầu cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Đông Nam Á khiến lô hàng từ các nước xuất khẩu lớn trên thế giới là Thái Lan và Việt Nam giảm hơn 25% trong giai đoạn từ tháng 1-11/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam lần lượt tăng 19% và 45% so với một năm trước, trong khi giá gạo nội địa ở Trung Quốc đại lục tăng khoảng 25%.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 500-505 USD/tấn. Theo các doanh nghiệp, cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam không chỉ ở các thị trường có nhu cầu lớn như Philippines hay châu Phi, mà vừa qua, hàng loạt hiệp định thương mại tự do được thực thi sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu cũng như nâng cao giá trị cho gạo Việt.

* Thị trường cà phê châu Á:

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba. Giá cà phê giao ngay tháng 3 giảm thêm 13 USD, xuống 1.310 USD/tấn và giá cà phê giao tháng 5 cũng giảm còn 1.322 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều giảm trở lại. Giá cà phê giao tháng 3 giảm 2,4 xu Mỹ, xuống 124,05 xu Mỹ/lb (1b = 0,4535 kg) và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 2,3 cent, còn 126,2 xu Mỹ/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Trong khi đó, tại Việt Nam, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm thêm 200 – 300 đồng, xuống dao động trong khung 31.200 – 31.600 đồng/kg./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục