Thị trường nông sản tuần qua: Giá cà phê vượt 34.000 đồng/kg
Còn trên thị trường thế giới, giá các mặt hàng nông sản tại thị trường Mỹ đều tăng trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 7/5, dẫn đầu là mặt hàng ngô.
Về mặt hàng lúa gạo trong nước, theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tuần qua giá lúa ở nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung vẫn giữ ổn định.
Cụ thể, tại Đồng Tháp, lúa tươi loại IR 50404 là 6.100 đồng/kg; tại Kiên Giang, một số loại lúa tươi như: IR 50404 từ 5.900 - 6.100 đồng/kg, OM các loại từ 6.000 - 6.400 đồng/kg, Jasmine từ 6.200 – 6.300 đồng/kg.
Riêng tại Cần Thơ, giá lúa khô một số loại tăng 100 đồng/kg, như Jasmine ở mức 7.300 đồng/kg, OM 4218 là 6.900 đồng/kg, IR 50404 là 6.700 đồng/kg…
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa trên địa bàn tỉnh trong tuần qua quay duy trì ổn định.
Giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.000 - 6.100 đồng/kg. Một số loại lúa chất lượng cao cũng duy trì ổn định như OM các loại từ 6.000 - 6.500 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.500 - 7.600 đồng/kg…; riêng Đài Thơm 8 từ 6.400 - 6.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Giá một số mặt hàng gạo tại An Giang lại có xu hướng ổn định. Cụ thể, gạo Hương Lài 18.000 đồng/kg, gạo Nhật là 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, gạo Jasmine từ 14.000 - 15.000 đồng/kg. Giá gạo thường dao động ở mức từ 11.000 – 12.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh phía Bắc tập trung theo dõi, chỉ đạo chăm sóc và thu hoạch lúa Đông Xuân 2020-2021. Các địa phương phía Nam triển khai kế hoạch sản xuất lúa Hè Thu.
Tại Đồng Tháp, tính đến đầu tháng 5/2021, địa phương này đã xuống giống vụ lúa Hè Thu được 147.000/187.000 ha, đạt hơn 79% kế hoạch. Các trà lúa chủ yếu ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh và làm đòng.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp khuyến cáo nông dân ở những khu vực chuẩn bị xuống giống cần vệ sinh kỹ đồng ruộng, cày ải phơi đất, đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 3 tuần.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình rầy vào đèn; xuống giống tập trung, né rầy hiệu quả trên từng ô bao, cánh đồng tại địa phương nhằm hạn chế thấp nhất sự gây hại của muỗi hành, rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá.
Về mặt hàng cà phê, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua tiếp tục có xu hướng tăng. Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá cà phê dao động ở mức 33.900 - 34.500 đồng/kg, tăng 500 – 700 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Cụ thể, giá cà phê tại Lâm Đồng từ 33.300 – 33.400 đồng/kg; Đắk Nông từ 34.000 – 34.500 đồng/kg; Kon Tum là 34.000 đồng/kg; Đắk Lắk từ 33.900-34.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá các mặt hàng nông sản tại thị trường Mỹ đều tăng trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 7/5, dẫn đầu là mặt hàng ngô.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2021 tăng 13,5 xu Mỹ (1,88%) lên 7,3225 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn cũng tăng 8,5 xu Mỹ (1,13 %) lên 7,6175 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 7/2021 tăng 20,25 xu Mỹ (1,29%) lên 15,8975 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago lưu ý rằng, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn tăng cao hơn khi thị trường bước vào đợt mua mới.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa thông báo rằng, Mỹ vừa bán 1,36 triệu tấn ngô cho Trung Quốc, trong khi bán khoảng 188.468 tấn ngô khác cho một khách hàng khác. Trung Quốc đã mua tổng cộng khoảng 5 triệu đến 6 triệu tấn ngô trong niên vụ trước, và đang có nhu cầu mua ngô và đậu tương vụ mới.
Cơ quan Thống kê Canada ước tính lượng dự trữ lúa mỳ của nước này hiện ở mức 16,2 triệu tấn, thấp hơn một chút so với ước tính. Bất kỳ sự thiệt hại nào của vụ mùa mới tại Canada sẽ có tác động lớn đến giá lúa mỳ thế giới.
Trong khi đó, các cánh đồng ngô vụ Đông của Brazil kết thúc một tuần không có mưa. Niên vụ 2021 của nước này có thể sẽ đi vào sách kỷ lục vì là năm khô hạn nhất trong 50 năm qua.
Dự báo thời tiết cho thấy, vùng đồng bằng phía Bắc và khu vực Thượng Trung Tây của Mỹ sẽ tiếp tục khô hạn trong 10 ngày tới.
AgResource vẫn lạc quan vào giá nông sản trong ngắn hạn, bởi bất kỳ diễn biến tiêu cực nào của thời tiết ở Mỹ, Biển Đen hoặc Canada sẽ đẩy giá các loại nông sản lên mức cao mới và dự kiến mức cao nhất được điều chỉnh theo mùa sẽ rơi vào tháng Bảy hoặc tháng Tám năm nay.
Về thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong phiên 7/5 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2020 do nguồn cung tăng sau khi chính phủ giải phóng kho dự trữ gạo để giúp đỡ người dân nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Giá gạo Ấn Độ loại 5% tấm giao dịch ở mức 371-376 USD/tấn trong tuần này, so với mức 374-379 USD/tấn của tuần trước.
Đất nước đông dân thứ hai thế giới đã ghi nhận số ca mắc và tử vong hàng ngày do dịch COVID-19 cao kỷ lục.
Trong khi đó, nước láng giềng Bangladesh đã lần đầu tiên thông qua gói đấu thầu mua 50.000 tấn gạo từ Ấn Độ được chuyển bằng đường sắt khi Chính phủ nước này đang nỗ lực để lấp đầy nguồn dự trữ ngày càng cạn kiệt.
Shahida Akhter, một quan chức cấp cao của Chính phủ Bangladesh cho biết, lần đầu tiên gạo sẽ được cung cấp bằng đường sắt từ Ấn Độ để có thể được nhập khẩu trong thời gian ngắn nhất có thể.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm xuống còn 475-485 USD/tấn từ múc tương ứng 470 - 500 USD/tấn của tuần trước.
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu tiếp đà đi ngang. Hiện gạo 5% tấm ở mức 493-497 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 468-472 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 423-427 USD/tấn và gạo Jasmine ở mức 558-562 USD/tấn.
Về giá cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE – London điều chỉnh giảm.
Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2021 giảm 8 USD, xuống 1.539 USD/tấn và giá kỳ hạn giao tháng 9/2021 cũng giảm 8 USD, còn 1.561 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE – New York cũng có xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2021 giảm 1,4 xu Mỹ, xuống 152,9 xu/lb và giá cà phê giao tháng 9/2021 cũng giảm 1,4 xu, còn 154,8 xu/lb. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình. (1lb = 0,45359kg).
Giá cà phê phiên 7/5 đã điều chỉnh giảm sau đợt tăng dài, do mức độ căng thẳng của cuộc biểu tình ở Colombia đã dịu bớt khi các nhà chức trách địa phương đã có những động thái làm xoa dịu tình hình.
Trước đó, diễn biến của cuộc biểu tình trên đã gây ra mối lo nguồn cung cà phê Arabica sàn New York thiếu hụt trong ngắn hạn, cho dù đã được bù đắp bằng Arabica chế biến ướt có chất lượng thấp hơn của Brazil. Colombia hiện là nhà sản xuất cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, sau đợt tăng nóng dòng vốn từ cà phê lại chuyển dịch sang cổ phiếu khiến giá mặt hàng nông sản này giảm nhẹ.
Giá cà phê điều chỉnh giảm sau đợt tăng nóng là điều thường thấy sau đợt tăng mua mạnh tay của các quỹ đầu cơ lớn trên cả hai sàn phái sinh, xuất phát từ mối lo nguồn cung của niên vụ cà phê 2021/2022 sắp tới sụt giảm.
Ngay từ đầu tháng Tư, hãng tin Bloomberg đã gọi đó là "cơn ác mộng" khi cho rằng thế giới sắp đối mặt với sự thiếu hụt cà phê "chưa từng có"./.
Tin liên quan
-
Hàng hoá
Giá cà phê thế giới giảm sau đợt tăng giá kéo dài
19:02' - 08/05/2021
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE – London điều chỉnh giảm.
-
Hàng hoá
Thị trường nông sản tuần qua: Giá cà phê tiếp tục tăng khá
11:33' - 02/05/2021
Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung có xu hướng ổn định, trừ một số loại lúa ở một vài địa phương, trong khi đó giá cà phê tiếp tục tăng khá.
Tin cùng chuyên mục
-
Thị trường
Biến động tỷ giá hỗ trợ giá gạo châu Á
18:35' - 26/04/2025
Giá gạo của Ấn Độ và Thái Lan tăng nhẹ trong tuần này nhờ biến động tỷ giá, song nhu cầu vẫn thấp.
-
Thị trường
Central Retail giảm giá 50% cho hơn 1.000 sản phẩm
15:44' - 26/04/2025
Dịp Lễ 30/4 năm nay, hệ thống siêu thị của Central Retail cũng tung ra nhiều khuyến mãi hấp dẫn áp dụng giảm giá lên đến 50% đối với trên 1.000 sản phẩm.
-
Thị trường
Thị trường lao động Mỹ vẫn đứng vững trước áp lực kinh tế
14:47' - 25/04/2025
Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng nhẹ trong tuần qua, cho thấy thị trường lao động vẫn khá vững vàng bất chấp những bất ổn kinh tế do chính sách thương mại gây ra.
-
Thị trường
Gần 600 sản phẩm sữa giả: Ranh giới “mờ”, hệ lụy thật
10:34' - 25/04/2025
Sự thiếu rõ ràng trong phân loại, ranh giới mờ giữa các nhóm sản phẩm sữa đã tạo kẽ hở cho doanh nghiệp lợi dụng để lách quy trình cấp phép, tự công bố sản phẩm nhằm tránh kiểm định chặt chẽ.
-
Thị trường
Cuộc cạnh tranh mới trên thị trường bán lẻ Hàn Quốc
09:38' - 24/04/2025
Các nền tảng thương mại điện tử, siêu thị lớn, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc đã tăng cường đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm tươi sống.
-
Thị trường
Dự báo nhu cầu giàn khoan dầu khí ở trong nước tăng nhờ loạt dự án lớn triển khai
07:44' - 24/04/2025
Năm 2025, nhu cầu giàn khoan dầu khí tại Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng nhờ sự quyết liệt triển khai loạt dự án dầu khí lớn .
-
Thị trường
Sắp diễn ra chuỗi sự kiện phát triển hệ sinh thái blockchain và AI tại Việt Nam
21:49' - 23/04/2025
Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái công nghệ, bao gồm công nghệ chuỗi khối (blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng ở Đông Nam Á.
-
Thị trường
Thuế Mỹ "giáng đòn" vào ngành gạo Thái Lan
20:50' - 23/04/2025
Bà Daeng Donsingha, một nông dân Thái Lan, đã lo lắng cho gia đình chín người của mình khi giá gạo ở quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai này giảm trong năm nay, sau khi Ấn Độ nối lại xuất khẩu.
-
Thị trường
Indonesia từ chối đề nghị bán gạo cho Malaysia
18:23' - 23/04/2025
Indonesia đã từ chối lời đề nghị mua gạo từ Malaysia. Bộ trưởng Nông nghiệp giải thích rằng Indonesia chưa thể xuất khẩu gạo thời điểm này vì vẫn đang trong giai đoạn đảm bảo dự trữ trong nước.