Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo của các nước châu Á ở mức cao

18:26' - 09/05/2020
BNEWS Tuần qua, giá nhiều loại nông sản như đậu tương, gạo, lúa mì, cà phê đã có nhiều phiên tăng giá mạnh do nhu cầu tiêu dùng cao.

*Thị trường nông sản Mỹ:

Giá giao dịch các loại nông sản trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) biến động ngược chiều nhau trong phiên 8/5, trong đó giá ngô và đậu tương tăng lên còn giá lúa mỳ giảm.

Khép phiên 1/5, giá ngô Mỹ giao tháng 7/2020 tăng 1,25 xu Mỹ (0,39%) lên 3,1925 USD/bushel, giá đậu tương Mỹ giao tháng 7/2020 tăng 6,25 xu Mỹ lên 8,505 USD/bushel, trong khi giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn cũng giảm 0,5 xu Mỹ xuống 5,22 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Các nhà giao dịch trên sàn CBOT ước tính các quỹ đã đặt 4.500 hợp đồng đậu tương và 5.800 hợp đồng ngô và bán 2.100 hợp đồng lúa mỳ.

Việc Trung Quốc khôi phục hoạt động mua nông sản vẫn đang tiếp sức cho giá ngô và đậu tương Mỹ trong tuần này trong bối cảnh các quỹ đã “bù đắp” một số lệnh bán để giảm rủi ro trước báo cáo Ước tính Nhu cầu và Nguồn cung Nông nghiệp Thế giới (WASADE) công bố ngày 12/5.

Theo Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp (ARC), báo cáo WASADE có thể hỗ trợ cho đậu tương nhưng làm giá ngô giảm giữa bối cảnh có đồn đoán rằng xuất khẩu đậu tương trong niên vụ 2019/20 sẽ bị cắt giảm 25-50 triệu bushels, còn ngô giảm khoảng 25 triệu bushels.

*Thị trường gạo châu Á:

Giá gạo tại Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu châu Á, vẫn giao dịch gần mức cao của 9 tháng trong tuần này nhờ nhu cầu tăng từ các nước ở cả châu Á và châu Phi.

Ngoài ra, đồng rupee yếu cũng đang hỗ trợ thị trường. Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 378-383 USD/tấn trong tuần này, không đổi so với tuần trước đó.

Tại Thái Lan, các nhà giao dịch cho hay những lo ngại về tình hình nguồn cung trong nước đã dịu xuống nhờ những trận mưa gần đây, trong khi nhu cầu nước ngoài vẫn không đổi. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 515-546 USD/tấn, giảm so với mức 535-557 USD/tấn trong tuần trước đó.

Trong khi đó, nguồn cung trong nước thấp đã đẩy giá gạo 5% tấm của Việt Nam lên mức cao mới của 2 năm là 450 USD/tấn hôm 7/5, tuy vậy hoạt động trên thị trường xuất khẩu vẫn khá yên ắng.

Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay không có nhiều hợp đồng mới được ký kết gần đây do nguồn cung trong nước xuống thấp. Nhiều doanh nghiệp trong nước đang tập trung mua gạo từ nông dân để phục vụ cho Chương trình dự trữ gạo quốc gia.

*Thị trường cà phê Brazil:

Giá cà phê Arabica (cà phê chè) giao tháng 7/2020 chốt phiên ngày 8/5 tăng 2,65 xu Mỹ/lb lên 111,65 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,454 kg) trong bối cảnh đồng nội tệ real của Brazil tăng so với đồng USD đã thúc đẩy hoạt động ôm vào một số hợp đồng cà phê kỳ hạn.

Trong khi đó, cà phê Robusta (cà phê vối) giao cùng kỳ hạn trên sàn ICE (Mỹ) không giao dịch cùng với Anh đóng cửa nghỉ lễ May Day.

Giá cà phê vẫn đang chịu sức ép do lo ngại rằng sự sụt giảm kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ làm giảm nhu cầu cà phê. Số liệu từ IRI công bố ngày 7/5 cho thấy doanh số bán cà phê Mỹ tại các siêu thị đã giảm 20% so với tuần trước trong bốn tuần kết thúc ngày 19/4.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) điều chỉnh ước tính tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ 2019/2020 tăng thêm 0,5% so với niên vụ cà phê trước đó, lên ở mức 166,06 triệu bao. Do đó, sản lượng dự kiến sẽ vượt mức tiêu thụ 1,95 triệu bao, thay vì thiếu hụt 0,47 triệu bao như đã ước tính trước đây.

Nguồn cung dồi dào từ Việt Nam, nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, là yếu tố không có lợi cho giá cà phê Robusta. Tổng Cục Thống kê Việt Nam trước đó báo cáo xuất khẩu cà phê từ tháng 1-4/2020 của Việt Nam tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 659.000 MT.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục