Thị trường phiên 23/11: Giá vàng tiếp tục “áp sát” ngưỡng 2.000 USD/ounce

17:35' - 23/11/2023
BNEWS Phiên giao dịch ngày 23/11, giá vàng châu Á “áp sát” mốc quan trọng 2.000 USD/ounce, trong bối cảnh sự sụt giảm của đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã thúc đẩy nhu cầu mua vàng.
* Giá vàng châu Á “áp sát” mức 2.000 USD/ounce

Phiên giao dịch ngày 23/11 chứng kiến giá vàng châu Á tiếp tục “áp sát” mốc quan trọng 2.000 USD/ounce, trong bối cảnh sự sụt giảm của đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã thúc đẩy nhu cầu mua vàng.

Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.995,39 USD/ounce. Trước đó hôm 21/11, giá vàng đã chạm mức cao nhất của ba tuần là 2.007,29 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tiến 0,2%, lên mức 1.996,40 USD/ounce.

 
Nhà phân tích thị trường cấp cao về khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty giao dịch ngoại hối OANDA Kelvin Wong nhận định những đồn đoán về sự đảo chiều của chu kỳ tăng lãi suất đã dẫn đến xu hướng suy yếu liên tục của đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ dài hạn. Điều này sẽ hỗ trợ giá vàng, ít nhất là trong ngắn hạn.

Đồng USD giảm 0,2% so với các đồng tiền khác, sau khi đã tăng trong hai phiên trước đó, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất của hai tháng hôm 22/11.

Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước, nhưng điều đó có thể không làm thay đổi quan điểm rằng thị trường lao động đang chậm lại trong bối cảnh lãi suất cao.

Các nhà giao dịch vẫn kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào tháng 12 tới. Nhưng họ đã không còn kỳ vọng quá nhiều vào việc tổ chức này sẽ cắt giảm lãi suất vào năm 2024, sau khi dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp được công bố. Và lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.

Tại thị trường Việt Nam, lúc 14 giờ 49 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 71-72,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

* Giá dầu nối dài đà giảm

Tiếp nối đà giảm từ phiên trước, giá dầu châu Á tiếp tục giảm hơn 1% trong phiên ngày 23/11.

Trước đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã thông báo quyết định hoãn cuộc họp cấp bộ trưởng, khiến thị trường suy đoán rằng các nhà sản xuất có thể sẽ “nhẹ tay” cắt giảm sản lượng hơn dự đoán trước đó.

Giá dầu Brent Biển Bắc kỳ hạn giảm 1,02 USD/thùng, tương đương 1,2%, về mức 80,94 USD/thùng vào lúc 13 giờ 25 phút (giờ Việt Nam), sau khi đã giảm tới 4% trong phiên trước đó. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 87 xu Mỹ, tương đương 1,1%, xuống 76,23 USD/thùng, sau khi giảm tới 5% trong phiên trước.

Hoạt động thương mại dự kiến sẽ tiếp tục trầm lắng trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn ở Mỹ.

Trong một động thái gây bất ngờ, OPEC+ (bao gồm Nga) đã trì hoãn cuộc họp cấp bộ trưởng đến ngày 30/11. Tổ chức này dự kiến sẽ thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu trong cuộc họp vào cuối tháng.

Các nguồn tin của OPEC+ cho biết các nhà sản xuất đang gặp khó khăn trong việc thống nhất về mức cắt giảm sản lượng và việc cắt giảm có thể diễn ra sớm hơn thời điểm cuộc họp diễn ra.

Tuy nhiên, ba nguồn tin của OPEC+ cho biết điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra ở các nước châu Phi, vốn là những nhà sản xuất nhỏ hơn trong nhóm- qua đó phần nào xoa dịu những lo ngại của nhà đầu tư.

Các nhà phân tích tại Ngân hàng ING cho biết: “Sự bất đồng giữa các thành viên có thể sẽ làm tăng sự biến động trên thị trường trong tuần tới”.

Vấn đề nguồn cung của OPEC+ được quan tâm hơn khi dữ liệu cho thấy tồn kho dầu của Mỹ đã tăng 8,7 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 1,16 triệu mà các nhà phân tích dự kiến.

* Chứng khoán châu Á gần như không biến động

Chứng khoán châu Á gần như không biến động trong phiên 23/11. Các thị trường “nằm im” tận hưởng đà tăng trước đó với tâm lý lạc quan rằng lãi suất toàn cầu sẽ giảm vào năm tới.

Các nhà đầu tư cũng đang hướng tới Trung Quốc để tìm kiếm manh mối về khả năng chính phủ nước này hỗ trợ cho thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, để phù hợp với các mục tiêu tăng trưởng rộng hơn mà họ đang đặt ra.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo dõi một chuỗi các chỉ số thị trường khu vực bên ngoài Nhật Bản, đã giảm 0,03% với khối lượng giao dịch mỏng.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,16% trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,22%. Thị trường Tokyo (Nhật Bản) đóng cửa nghỉ lễ.

Trước đó, Bloomberg đưa tin vào cuối ngày 22/11 rằng Trung Quốc đã đưa tập đoàn Country Garden Holdings đang ngập trong nợ nần vào danh sách dự thảo gồm 50 nhà phát triển đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính. Trong khi đó, một công ty quản lý tài sản lớn, có quan hệ với nhiều với thị trường bất động sản, đã tiết lộ rằng họ đang phải đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán. Các nợ liên quan của công ty này đã lên tới 64 tỷ USD.

Thị trường nhìn chung khá sôi động trong tháng 11, nhờ những kỳ vọng về bối cảnh lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, giao dịch dự kiến sẽ trầm lắng trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn ở Mỹ.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 25,33 điểm (2,27%) xuống 1.088,49 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 5,95 điểm (2,58%) xuống 224,54 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục