Thị trường toàn cầu chuẩn bị đối phó với “giông bão” khi căng thẳng ở Trung Đông gia tăng

09:39' - 16/10/2023
BNEWS Xung đột Israel-Hamas đang đang khiến các nhà đầu tư chờ xem giá giá dầu có bị tăng cao hơn và “giáng một đòn” mới vào nền kinh tế thế giới hay không?
Xung đột Israel-Hamas đang làm trầm trọng thêm những rủi ro địa chính trị đối với thị trường tài chính toàn cầu, khi các nhà đầu tư chờ đợi xem liệu cuộc xung đột này có thu hút các quốc gia khác, đẩy giá dầu tăng cao hơn nữa và “giáng một đòn” mới vào nền kinh tế thế giới hay không.

Giá dầu tăng gần 6% vào ngày 13/10, khi các nhà đầu tư đánh giá về khả năng xảy ra xung đột rộng hơn ở Trung Đông.

Ben Cahill, thành viên cao cấp của Chương trình An ninh Năng lượng và Biến đổi Khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: “Có vẻ như tình hình đang dẫn tới một cuộc xung đột quy mô lớn tại Gaza và gây thiệt hại về người trên diện rộng. Và bất cứ khi nào xảy ra xung đột ở quy mô này, sẽ có phản ứng của thị trường”.

 
Phản ứng của thị trường trong tuần qua tương đối trầm lắng, mặc dù đồng shekel của Israel bị ảnh hưởng nặng nề. Erik Nielsen, cố vấn kinh tế trưởng tại UniCredit, cho biết: “Tôi không biết liệu thị trường có tiếp tục hoạt động tương đối tốt hay không. Điều đó gần như chắc chắn phụ thuộc vào việc liệu cuộc xung đột mới nhất này có còn mang tính cục bộ hay liệu nó có leo thang thành một cuộc chiến tranh Trung Đông rộng lớn hơn”.

Chỉ số S&P 500 đã giảm 0,5% vào phiên giao dịch cuối tuần trước (13/10). Trong khi lực mua vào các tài sản trú ẩn an toàn mạnh lên khiến giá vàng tăng hơn 3% và đồng USD chạm mức cao nhất trong một tuần vào cùng ngày.

Bernard Baumohl, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại The Economic Outlook Group ở Princeton, New Jersey, cho biết, xung đột ngày càng mở rộng cũng có thể khiến lạm phát và lãi suất trên toàn thế giới tăng nhanh hơn nữa.

Tuy nhiên, ông Baumohl lưu ý, mặc dù lạm phát và lãi suất ở các quốc gia khác có thể sẽ tăng trong trường hợp xấu nhất này, thì Mỹ có thể là ngoại lệ khi các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào nơi mà họ cho là “thiên đường trú ẩn an toàn” trong xung đột toàn cầu.

Tại châu Âu, các nhà kinh tế cho biết rào cản cho một đợt tăng lãi suất khác từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là rất cao. Cuộc chiến giữa nhóm Hồi giáo Hamas và Israel gây ra một trong những rủi ro địa chính trị đáng kể nhất đối với thị trường dầu mỏ kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine vào năm ngoái.

Các thị trường năng lượng khác có thể bị ảnh hưởng. Tập đoàn dầu khí Chevron tạm dừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên thông qua đường ống ngầm lớn giữa Israel và Ai Cập.

Các nhà phân tích lưu ý rằng giá dầu tăng khó có thể có tác động đáng kể đến giá khí đốt hoặc chi tiêu của người tiêu dùng ở Mỹ. Tuy nhiên, Giám đốc đầu tư tại Cresset Capital, Jack Ablin, cho rằng tình hình vẫn cần được theo dõi. Ông nói: “Nếu đột nhiên sản lượng dầu bị cắt giảm hoặc vận chuyển dầu bị gián đoạn thì điều đó chắc chắn sẽ tạo ra vấn đề không chỉ cho nền kinh tế mà còn cho cả thị trường”.

Ông Ablin cho biết, dầu, cổ phiếu của các công ty dầu mỏ và hàng hóa nói chung và vàng nói riêng có thể đóng vai trò là “kênh phòng ngừa rủi ro” hiệu quả cho các nhà đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục