Thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam đang ở đâu so với thế giới?

15:21' - 04/01/2019
BNEWS So với tiềm năng nền kinh tế và với các nước khác trong khu vực, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn khiêm tốn
Thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam đang ở đâu so với thế giới?. Ảnh minh họa:TTXVN
Những năm qua, thị trường trái phiếu Chính phủ luôn là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, so với tiềm năng nền kinh tế và với các nước khác trong khu vực, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN, Chủ tịch Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) bà Nguyễn Thị Kim Oanh đã đưa ra nhiều đề xuất gỡ vướng nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.

Phóng viên: Theo báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), huy động trái phiếu Chính phủ năm 2018 giảm mạnh (hơn 19%) về khối lượng và kỳ hạn so với năm 2017. Xin bà cho biết một số nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh: Năm 2018 tổng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ là 196.797 tỷ đồng; trong đó, có 171.797 tỷ đồng được phát hành thông qua đấu thầu, 25.000 tỷ đồng phát hành cho Bảo hiểm xã hội, giảm 19,35% so với năm 2017. Khối lượng phát hành thông qua đấu thầu đạt gần 86% so với kế hoạch huy động chưa điều chỉnh công bố đầu năm 2018 (200.000 tỷ đồng) và đạt 98% so với kế hoạch huy động đã điều chỉnh vào đầu tháng 10 năm 2018 (175.000 tỷ đồng).

Nguyên nhân chủ yếu của việc giảm huy động trái phiếu Chính phủ đến từ tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, giải ngân vốn của các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương 11 tháng năm 2018 chỉ đạt 59,9% kế hoạch thấp hơn so cùng kỳ năm 2017.

Chủ tịch VBMA, Nguyễn Thị Kim Oanh.Ảnh: Bnews/TTXVN
Nhiều bộ, ban, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp do các yếu tố khách quan như địa hình, thời tiết, thiên tai hay các yếu tố chủ quan như chưa giải quyết triệt để các vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng, năng lực triển khai của nhà đầu tư, thi công, vướng mắc từ chính sách,…

Tuy nhiên, cần nhận định rằng khoản vốn từ huy động trái phiếu Chính phủ là tiền vay, phục vụ mục đích phát triển kinh tế và trả nợ, phụ thuộc vào tình hình thu ngân sách và ngân quỹ. Nếu ngân quỹ tồn dư và thu ngân sách phù hợp, Kho bạc Nhà nước không nhất thiết phải hoàn thành kế hoạch huy động trái phiếu Chính phủ đã đề ra từ đầu năm cũng như kế hoạch đã được điều chỉnh giai đoạn cuối năm.

Mặt khác, trong 6 tháng cuối năm 2018, để ổn định tỷ giá trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt khiến mặt bằng lãi suất thứ cấp tăng mạnh. Việc Kho bạc Nhà nước không có nhiều áp lực phát hành thành công bằng mọi giá khiến lãi suất phát hành các kỳ hạn không được điều chỉnh phù hợp với mặt bằng thị trường. Chênh lệch mặt bằng lợi suất trên thị trường sơ cấp và thứ cấp các kỳ hạn khá lớn, khoảng 30 – 70 điểm cơ sở (BPS). Cùng với đó, thanh khoản hệ thống năm 2018 khá căng thẳng và thiếu hụt cục bộ tại nhiều thời điểm khiến Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp hỗ trợ thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Điều này khiến các ngân hàng thương mại giảm bớt dòng tiền vào thị trường trái phiếu Chính phủ để đảm bảo thanh khoản và tập trung cho các kênh đầu tư hiệu quả hơn. Đây là lý do khiến nhà đầu tư, chủ yếu là khối ngân hàng thương mại và công ty quản lý quỹ không mặn mà với việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp.

Phóng viên: Đối với thị trường trái phiếu Chính phủ, chúng ta đang đứng ở đâu so với các nước trong khu vực và trên thế giới?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh: Kể từ khi thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam ra đời năm 2000 và khi chúng ta có hệ thống giao dịch trái phiếu chuyên biệt năm 2009, thị trường trái phiếu Chính phủ đã có sự phát triển nhanh và mạnh ở cả quy mô lẫn độ sâu thị trường. Trái phiếu Chính phủ đã ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng và hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội.

Tính đến hết tháng 7/2018, dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam đạt 39,9% GDP năm 2017; trong đó, dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ đạt 29,2% GDP năm 2017. Đây là một bước tiến vượt bậc của thị trường nếu so với quy mô chỉ khoảng 4,5% GDP năm 2003.

Tuy nhiên, so với tiềm năng của nền kinh tế và so với các nước khác trong khu vực, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn nhỏ. Theo số liệu thống kê, quy mô thị trường trái phiếu của Malaysia đạt 95% GDP (thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm 49,7% GDP); Singapore là 81,1% GDP (thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm 49,6% GDP), Thái Lan là 73% GDP (thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm 53% GDP), Hàn Quốc là 124,6% GDP (thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm 73,6% GDP), Trung Quốc là 68,8% GDP (thị trường trái phiếu Chính phủ chiếm 49,8% GDP).

Giá trị giao dịch bình quân phiên trên thị trường trái phiếu Việt Nam đạt 10.400 tỷ VND, thấp hơn nhiều so với một số thị trường như Singapore hay Hàn Quốc.

Mặc dù cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Việt Nam có sự thay đổi theo hướng mở rộng, đa dạng hoá loại hình nhà đầu tư, giảm tỷ lệ nắm giữ của khối ngân hàng thương mại tương đương với nhiều quốc gia trong khu vực nhưng cơ cấu nhà đầu tư là công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ vẫn chưa tương xứng.

Lý do là bởi tương quan sự phát triển của nền kinh tế còn ở mức độ thấp nên nguồn vốn tiết kiệm dài hạn từ các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí bắt buộc còn hạn chế. Nhà tạo lập thị trường hoạt động chủ yếu trên thị trường sơ cấp, vai trò và quyền lợi vẫn còn hạn chế trên thị trường thứ cấp. Điều này cần sự vào cuộc hỗ trợ từ phía Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý trong việc mở rộng thị trường, đa dạng hoá loại hình sản phẩm, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, tiến đến phát triển thị trường bền vững.

Phóng viên: Bà có kiến nghị gì giúp làm tăng tính hấp dẫn của thị trường trái phiếu Chính phủ?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh: Để phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ thứ cấp, cần có những chính sách đồng bộ để tạo môi trường chính trị, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định. Đồng thời, đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu, bao gồm cả trái phiếu ngắn hạn để hài hòa dòng tiền và tạo đường cong lãi suất chuẩn và các mức lãi suất tham chiếu đầy đủ cho thị trường.

Cùng đó, yêu cầu các nhà tạo lập thị trường thực hiện nghĩa vụ chào giá hai chiều (giá mua, giá bán) đối với các mã trái phiếu Chính phủ tiêu chuẩn nhằm tạo thanh khoản. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của thành viên thị trường thứ cấp trong báo cáo giao dịch. Ngoài ra, tổ chức phát hành các sản phẩm trái phiếu mới, nghiệp vụ cho vay trái phiếu theo lộ trình xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý nợ công năm 2017; triển khai các sản phẩm mới như trái phiếu có lãi suất thả nổi, phái sinh trái phiếu.

Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm mở rộng cơ sở nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua thành lập các quỹ như: hưu trí, đầu tư trái phiếu. Về tổ chức phát hành, cần bám sát tình hình thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư, tập trung tổ chức hình thức đấu thầu qua HNX để đảm bảo sự liên tục của thị trường. Chính sách lãi suất được điều hành theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với diễn biến của thị trường trái phiếu và thị trường tiền tệ.

Tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền liên quan đến thị trường trái phiếu Chính phủ trên các website của Kho bạc Nhà nước, HNX, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, bảo đảm cho các nhà đầu tư có đầy đủ thông tin về cơ chế, chính sách, kế hoạch, lịch biểu đấu thầu, kết quả phát hành và thanh toán.

Ngoài ra hoàn thiện quy định pháp lý về hoạt động thanh toán, phát hành và giao dịch trái phiếu để cụ thể hóa các quy định Luật Quản lý nợ công năm 2017. Xây dựng các hệ thống văn bản về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch công cụ nợ của Chính phủ và về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; có cơ chế hỗ trợ thanh khoản cho nhà tạo lập thị trường trên thị trường sơ cấp và thứ cấp,....

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục