Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Mỹ: Cơ hội song hành với rủi ro

08:17' - 17/09/2024
BNEWS Trái phiếu doanh nghiệp tại Mỹ có tính linh hoạt, lợi suất cao nhất tại thị trường trái phiếu Mỹ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.
Thị trường trái phiếu nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp Mỹ nói riêng đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008 và đại dịch COVID-19. Trái phiếu doanh nghiệp Mỹ tự thân cũng có những chuyển biến mang tính căn bản trong khoảng một thập kỷ qua để trở thành một bộ phận ngày càng quan trọng của thị trường trái phiếu lớn nhất toàn cầu. 

Trái phiếu doanh nghiệp tại Mỹ có tính linh hoạt cao, với các kỳ hạn có thể từ dưới 5 năm đến hơn 10 năm. Trái phiếu doanh nghiệp có lợi suất cao nhất tại thị trường trái phiếu Mỹ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.

 
Tiếp tục quá trình hồi phục sau đại dịch, số liệu của TD Asset Management Inc. cho thấy quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Mỹ tới đầu năm 2024 là xấp xỉ 12.000 tỷ USD, tính gộp cả trái phiếu đầu tư và trái phiếu lợi tức cao.

Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới tại Mỹ trong những năm gần đây thường vượt 1.000 tỷ USD/năm. Khối lượng phát hành có thể chịu sự chi phối của các yếu tố như lãi suất, tình hình nền kinh tế và nhu cầu tài chính doanh nghiệp... Đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhìn chung vượt trội so với trái phiếu kho bạc trong nửa đầu năm nay, một phần nhờ khả năng thanh toán thu nhập cao hơn và chênh lệch lợi suất giảm.

Về tổng thể, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá phát hành trái phiếu đang là một trong những kênh huy động nguồn vốn hấp dẫn và được các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đặc biệt, với khối lượng phát hành tăng đều qua mỗi năm và tổng dư nợ doanh nghiệp thường niên đạt mức tăng trưởng khoảng 5,2%.

Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Mỹ lập kỷ lục trong tháng 1/2024. Theo hãng tin Bloomberg, các công ty có uy tín và tình hình tài chính vững chắc, giá trị vốn hóa thị trường lớn đã phát hành 188,57 tỷ USD trái phiếu chỉ riêng trong tháng 1/2024. Con số này đã vượt mức kỷ lục 175 tỷ USD được ghi nhận hồi tháng 1/2017.

Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp Mỹ tăng vọt trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng tin rằng chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đạt đỉnh và Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất từ quý III/2024. Tám tháng qua, các doanh nghiệp Mỹ đã huy động được hơn 600 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu, tăng khoảng 40% so với cùng giai đoạn năm 2023.

Theo phân tích của chuyên trang tài chính MarketWatch, hai trong số những lý do khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp Mỹ đang “nóng lên nhanh chóng” thời gian qua là cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới và chính sách lãi suất của Fed. Nhiều doanh nghiệp đang chạy đua phát hành trái phiếu và đẩy nhanh kế hoạch huy động vốn trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra để tránh nguy cơ biến động thị trường trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.

Kể từ đầu năm đến nay, một loạt doanh nghiệp hàng đầu tại Mỹ như Ford, Toyota, các ngân hàng như Morgan Stanley, JPMorgan, Standard Chartered đã đẩy mạnh huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu.

Hành trình tăng giá trị gần 6.000 lần của cổ phiếu Nvidia kể từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cũng được giới đầu tư coi như “một câu chuyện thần kỳ và truyền cảm hứng” xét trên phương diện phát triển doanh nghiệp. Tháng 6/2024, Nvidia đã vượt qua Microsoft để trở thành công ty giá trị nhất thế giới với giá trị vốn hóa là 3.340 tỷ USD, riêng giá trị vốn hóa tăng thêm từ đầu năm đến quý II đạt hơn 2.000 tỷ USD.

Nhà kinh tế Kevin McPartland của tổ chức nghiên cứu thị trường Coalition Greenwich cho rằng tâm lý sẵn sàng nắm giữ nợ doanh nghiệp có lẽ đang giúp tăng thanh khoản thị trường và nhờ đó khiến khối lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng theo. Bên cạnh đó, lãnh đạo các ngân hàng và giới đầu đầu tư cũng cho rằng các doanh nghiệp đang tìm thấy động lực vay vốn nhờ mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu doanh nghiệp của Mỹ và trái phiếu chính phủ thấp nhất trong nhiều năm.

Chuyên gia John McAuley, Giám đốc phụ trách thị trường trái phiếu của Citi Bank khu vực Bắc Mỹ, cho rằng giờ là thời điểm thực sự lý tưởng để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Thị trường đang nhiều dư địa, trong khi chênh lệch lợi suất giảm. Đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp.

Dù trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư và huy động vốn đang ngày càng phát triển ở Mỹ, nhưng hoạt động này cũng có những bất cập và đối mặt với không ít rủi ro.

Vấn đề đầu tiên, quan trọng hàng đầu, là chất lượng tín dụng. Mọi doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đều đối mặt với rủi ro tín dụng hoặc kịch bản vỡ nợ tiềm tàng. Đó là khi một doanh nghiệp sẽ không thể thanh toán đúng hạn lãi hoặc gốc, dẫn tới vỡ nợ trái phiếu.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nỗ lực đánh giá rủi ro tín dụng tương đối của trái phiếu dựa trên khả năng thanh khoản của doanh nghiệp, đồng thời định kỳ xem xét xếp hạng trái phiếu và có thể điều chỉnh nếu điều kiện hoặc kỳ vọng thay đổi.

Ông Jeffrey MacDonald, Giám đốc điều hành và là người đứng đầu bộ phận chiến lược tại Fiduciary Trust Company International có trụ sở ở thành phố New York, cho rằng một khi Fed tăng lãi suất, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp sẽ cao hơn, lợi suất của trái phiếu được phát hành mới sẽ cao hơn và hoạt động tái cấp vốn cho các khoản nợ cũ chịu nhiều chi phí hơn. Điều đó khiến các nhà đầu tư thị trường trái phiếu doanh nghiệp lo ngại.

Bất ổn thị trường cũng là một rủi ro không nhỏ. Theo giới chuyên gia kinh tế, trái phiếu doanh nghiệp thường có lợi suất cao hơn, song cũng đồng nghĩa là nhà đầu tư phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn. Thị trường chứng khoán biến động và kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ khiến các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại Mỹ, các công ty đang gánh trên vai nợ nần, gặp khó khăn và có thể đối mặt với viễn cảnh bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, hay thậm chí vỡ nợ.

Do vậy, đối với các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, việc xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng tiềm lực, tình hình tài chính, triển vọng kinh doanh và khả năng trả nợ của doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, đôi khi quyết định tới thành bại của hoạt động đầu tư bởi vì trái phiếu doanh nghiệp thường không được đảm bảo bằng tài sản thế chấp, mà chỉ bằng niềm tin và cam kết.

Hiểu rõ các rủi ro và có được những phân tích thực tế sẽ giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt trong một thị trường trái phiếu doanh nghiệp phức tạp và biến động như tại Mỹ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục