Thị trường trái phiếu nhiều biến động trong mùa bầu cử Mỹ

06:30' - 05/07/2024
BNEWS Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden và Donald Trump hôm 27/6 đã làm rung chuyển các thị trường, trong đó có cả thị trường trái phiếu.

Sau cuộc tranh luận, khảo sát cho thấy cơ hội tái đắc cử của đương kim Tổng thống Biden đã giảm từ 45% trước cuộc tranh luận xuống còn 27%, trong khi khả năng thắng cử của ứng viên đối thủ Trump tăng từ ngưỡng 55% trước cuộc tranh luận lên 58%. 

Với kết quả khảo sát nghiêng hẳn về phía ứng cử viên của đảng Cộng hoà các thị trường đã có phản ứng nhanh. Các nhà đầu tư đang tập trung nhiều hơn vào việc đánh giá những tác động có thể xảy ra nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Có hai nội dung đặc biệt được quan tâm là khả năng trục xuất người nhập cư và các mức thuế mới chống lại Trung Quốc. Cả hai yếu tố này đều sẽ gây ảnh hưởng mạnh tới các thị trường, có thể kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi áp lực lạm phát sẽ gia tăng, đặc biệt trong dài hạn.

Theo dự báo của Quốc hội Mỹ, người nhập cư dự kiến sẽ giúp nền kinh tế Mỹ có thêm khoảng 7.000 tỷ USD trong 10 năm tới. Điều này là do họ mang đến một nguồn lực lao động lớn có thể sử dụng được, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế Mỹ bằng mức tiêu dùng của họ. Trục xuất bất kỳ phần đáng kể nào trong số họ, điều mà ông Trump doạ sẽ thực hiện, có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Đồng thời, tăng trưởng cũng sẽ bị kìm hãm bởi các mức thuế mới mà ông Trump dọa áp lên hàng hóa Trung Quốc. Kịch bản này gần như đã được báo trước. Nó sẽ làm tăng giá hàng tiêu dùng, gây hạn chế khả năng sẵn có của các loại hàng hóa dành cho người tiêu dùng Mỹ, đồng thời sẽ làm tăng giá đầu vào sản xuất của các công ty và doanh nghiệp tại nước này.

Trong kịch bản đó, rất có thể Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ ứng phó với khả năng tăng trưởng kinh tế yếu hơn trong thời gian ngắn hơn - có lẽ trong hai năm tới - bằng cách hạ lãi suất đáng kể hơn dự đoán trước đây. Nhưng trong khoảng thời gian dài hơn có lẽ là 10 năm, áp lực lạm phát sẽ tăng cao hơn dự kiến hiện nay, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn. 

Nguyên nhân bởi vì người tiêu dùng Mỹ sẽ phải mua các sản phẩm thay thế có nguồn gốc trong nước khi hàng Trung Quốc không còn được bán trong nước do hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, hàng hóa Mỹ sẽ đắt hơn đáng kể vì lao động Mỹ thường đắt hơn nhiều so với lao động Trung Quốc. Các công ty Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với điều tương tự do giá đầu vào cao hơn.

Trước viễn cảnh đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng so với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm sau cuộc tranh luận ngày 27/6. Các nhà đầu tư đang bắt đầu tin tưởng vào khả năng lạm phát cao hơn trong khoảng thời gian 10 năm tới. Vì vậy họ đang yêu cầu mức lợi nhuận cao hơn.

Đồng thời, các nhà đầu tư nghi ngờ khả năng ông Trump, sau khi quay lại Nhà Trắng, có thể cân bằng ngân sách, tăng chi tiêu như những cam kết mà ông đã đưa ra trong chiến dịch bầu cử hiện nay, bù đắp khoản thấu chi đó bằng cách tăng thu từ mức thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc. Nếu không đạt được mục tiêu này, chắc chắn Chính phủ Mỹ sẽ phải phát hành thêm rất nhiều trái phiếu, làm tăng thêm khoản nợ vốn đã rất cao của Mỹ. 

Trước cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ vào tuần trước, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm thấp hơn khoảng 50 điểm cơ bản so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Nhưng sau cuộc tranh luận, mức chênh lệch chỉ còn 35 điểm cơ bản. Đây là mức giảm chênh lệch đáng kể nhất giữa hai loại trái phiếu này kể từ tháng 1/2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục