Thích ứng an toàn với dịch COVID-19: Bài 2: “Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch”

13:42' - 25/09/2021
BNEWS Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò chủ động và trách nhiệm của người dân, cơ sở - thành trì trọng yếu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần này.

“Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân” bởi “phòng dịch tốt thì không phải chống dịch”.

Thực hiện chỉ đạo của Người đứng đầu Chính phủ, mỗi xã, phường, mỗi người dân đã và đang trách nhiệm, chủ động, sáng tạo và linh hoạt phòng, chống dịch bằng từng phần việc cụ thể để bảo vệ sức khỏe của người dân, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

* Không trông chờ, ỷ lại

Sau hơn 100 ngày thực hiện giãn cách xã hội, vào đầu tháng 9, huyện Củ Chi và Quận 7 là hai địa phương đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh công bố kiểm soát được dịch COVID-19 theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Trong tâm dịch của cả nước ở đợt dịch lần thứ tư, tin tốt lành của hai địa phương không phải bỗng dưng có được.

Lãnh đạo các quận, huyện này đều nhấn mạnh hai yếu tố tiên phong, quyết định kết quả bước đầu phòng, chống dịch: Tính linh hoạt, không ỷ lại của địa phương và ý thức tự giác, chủ động của mỗi người dân.

Đầu tháng 8, số ca F0 ở Quận 7 tăng từ 1.000 ca lên 7.000 ca chỉ trong thời gian rất ngắn. Đáng báo động, nhiều F0 trở nặng nhanh nhưng khó đưa lên tuyến trên điều trị - vốn đã quá tải. Bắt đầu xuất hiện các ca tử vong, lãnh đạo quận 7 đều cảm thấy đau xót và sốt ruột.

Chỉ có một lựa chọn duy nhất là "cứu chữa càng nhiều bệnh nhân càng tốt", lãnh đạo và ngành Y tế Quận 7 mạnh dạn “xé rào quy định”, chuyển đổi khu thu dung F0 không triệu chứng thành Bệnh viện dã chiến chuyên điều trị, cấp cứu cho các ca có dấu hiệu nặng trên địa bàn. Đây là Bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện đầu tiên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

 “Thay vì trông chờ, ỷ lại vào tuyến điều trị cấp trên, chúng tôi “tự cứu mình” trước. Quận phải là một mặt trận chiến đấu, người dân và địa phương cùng chung mặt trận này. Cũng như xây một ngôi nhà, phải xây chắc từ dưới, từ nền móng, phải xác định rõ nhiệm vụ từ tuyến phường, quận”, Bí thư Quận ủy Quận 7 Võ Khắc Thái chia sẻ.

Còn tại “Đất thép thành đồng” Củ Chi, Chủ tịch UBND huyện Phạm Thị Thanh Hiền đề cao vai trò, ý thức tự giác, chủ động của người dân. Theo bà Hiền: "Tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng. Sức dân là sức mạnh to lớn nhất. Nếu không có sự chủ động tham gia của người dân, công tác phòng, chống dịch khó thành công, tiêu biểu đó là đóng góp của các các Tổ phòng, chống COVID cộng đồng."

Cùng với đó, chính quyền Củ Chi xác định làm tốt công tác an sinh là bí quyết vận động thiết thực nhất để nhân dân hợp tác phòng, chống dịch.

Huyện sáng tạo xây dựng “bản đồ an sinh”, công khai thông tin trên kênh Facebook có tên “Đất thép” để kết nối trực tiếp, hỗ trợ kịp thời người dân và chính quyền.

Kênh “Đất thép” còn là nơi chính quyền và người dân giám sát lẫn nhau trong quá trình triển khai công tác an sinh, hỗ trợ người dân.

Có thể nói, tinh thần “đứng mũi chịu sào” của những người lãnh đạo, các mô hình chống dịch của người dân cấp quận, huyện nêu trên chứng minh tính đúng đắn trong việc phòng, chống dịch phải kịp thời ngay từ cấp cơ sở: “tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo cho huyện, xã lo cho xã, thôn lo cho thôn và từng người phải tự lo cho chính mình”.

Đó là những người cụ thể, bằng phần việc cụ thể đã hiện thực chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, linh hoạt, dám nghĩ dám làm, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ từ tỉnh, thành phố, Trung ương hoặc áp dụng máy móc, bê nguyên mọi hướng dẫn từ trên xuống. Chỉ khi lãnh đạo, người dân nhận ra trách nhiệm, sự cấp bách, kịp thời trong việc chống dịch mới có thể làm nên những “trận thắng” trong cuộc chiến này.

Bởi trên thực tế, có không ít những bài học kinh nghiệm chống dịch đã chỉ ra nguy cơ nếu lãnh đạo, người dân thờ ơ, không chung sức, chung lòng “xắn tay áo” chống dịch đã để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và cộng đồng. Trong cuộc chiến này cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân - dù ở bất kỳ đâu, cương vị nào.

* Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch

Hiện nay, khống chế dịch tuyệt đối rất khó khăn bởi ngay cả nước có độ bao phủ cao về vaccine phòng COVID-19, dịch vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Trong bối cảnh đó, công tác phòng, chống dịch phải có cách làm, phương án chống dịch thích ứng, phù hợp, hiệu quả với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Đã đến lúc thích ứng với dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép.

Từ mỗi người chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại ở từng địa phương sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định... Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch”.

Chiến lược phòng dịch cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trước hết, phải bắt đầu từ người dân. Trong trạng thái bình thường mới, mỗi người phải tự phòng dịch, "chiến đấu" để bảo vệ chính mình.

Quan điểm, nguyên tắc phòng, chống dịch được triển khai nhất quán, xuyên suốt trong những cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 gần 2 năm qua, từ những khuyến cáo, thông điệp truyền thông đến yêu cầu bắt buộc về việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà hoặc đến chỗ đông người để phòng dịch.

Đeo khẩu trang là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu trong “Thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế” do Bộ Y tế phát động.

Việc đeo khẩu trang trong thời gian có dịch bệnh lưu hành cực kỳ quan trọng. Mỗi cá nhân phải ý thức, phòng bệnh không chỉ cho bản thân, mà còn cho cả người thân và cộng đồng. Thêm một người mắc bệnh, thêm nguy cơ tiếp tục truyền bệnh cho người khác, kéo theo sự bùng phát dịch bệnh cho cả cộng đồng.

Trong bối cảnh hiện nay, không ai có thể sống yên ổn riêng mình nếu như cộng đồng còn chưa an toàn. Ý thức là hai từ được nhắc đến nhiều nhất: Ý thức với bản thân và cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu, là “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch, góp phần phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh.

Ý thức được thể hiện qua việc hiểu đúng, hành động đúng; hợp tác với các lực lượng phòng, chống dịch… Trước khi được bảo vệ, ý thức phòng bệnh là liều vaccine hiệu quả nhất để mỗi người tự bảo vệ chính mình và cộng đồng.

Câu chuyện ý thức được nhắc đến nhiều nhưng vẫn còn không ít trường hợp có hành vi thiếu ý thức trong đợt dịch này. Một số người tiếp tay cho các đối tượng vượt biên trái phép hoặc vượt chốt kiểm soát dịch COVID-19 bằng phương thức thuê hoặc đi nhờ các phương tiện được ưu tiên (luồng xanh) để ra, vào các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Hay, trên cả nước không ít những câu chuyện gây bức xúc bởi thái độ chống đối quy định phòng dịch, bất hợp tác, liên tục chửi bới xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ. Sự thiếu ý thức của một vài cá nhân cũng có thể dẫn đến cái giá rất đắt, phải trả bằng sinh mạng và sức khỏe con người, chưa kể đến những thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, mỗi người dân tích cực tham gia thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”, không ra khỏi nhà để cách ly triệt để, chặt chẽ, nghiêm ngặt các ổ dịch, nguồn lây. Công tác phòng, chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân, tự giác bảo vệ cho mình, gia đình, góp phần bảo vệ cộng đồng.

Hiện chưa có quốc gia thành công trong việc loại trừ COVID-19 nên các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam nhấn mạnh, công cụ kiểm soát dịch tốt nhất hiện nay là tiêm phủ vaccine toàn dân.

Việc tiêm vaccine không ngăn chặn tuyệt đối dịch bệnh nhưng giảm tỷ lệ tử vong, giảm diễn biến nặng cũng như thời gian điều trị trong cơ sở y tế. Do đó, “vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất”.

Trong bối cảnh thích nghi, sinh hoạt và sản xuất trong điều kiện có dịch, việc người dân được tiêm sớm, tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19 là “lá chắn” vô cùng cần thiết và quan trọng để dần dần quay trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Cùng với sự đoàn kết, chủ động vào cuộc của người dân xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng dịch, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng không ai được đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến này. Các đơn vị thực hiện duy trì, phát triển sản xuất chủ động bảo đảm an toàn phòng, chống dịch nghiêm ngặt theo quy định, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Để làm tốt điều đó, các tỉnh, thành phố cần quyết liệt hơn nữa, nhanh chóng kiểm soát dịch, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc bảo vệ các “pháo đài” nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất… an toàn để bảo vệ “sức khỏe” kinh tế tài chính, là hậu phương, là nguồn lực phòng, chống dịch ở từng địa phương và cả nước.

Tiêu biểu, hơn 90 ngày không ghi nhận ca mắc mới, song Quảng Ninh luôn sẵn sàng “mức cao hơn”, quyết tâm vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội.

Để tăng cường nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, Quảng Ninh dựa vào việc kiên trì giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế. Trong 9 tháng năm 2021, Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 8,2%, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 34.377 tỷ đồng, bằng 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức bật về phát triển kinh tế sẽ là nguồn lực quan trọng để địa phương có “sức bền” trong cuộc chiến này.

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các địa phương tiếp tục phân công, phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp, ngành, từng người trong phòng, chống dịch; thực hiện “4 tại chỗ” ở mức cao hơn để chủ động phòng, chống dịch ở mức cao hơn.

Mỗi địa phương đánh giá đúng tình hình dịch bệnh, đảm bảo năng lực xét nghiệm, triển khai xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm với những phương pháp khoa học; dự phòng sẵn sàng trong công tác điều trị như thuốc, trang thiết bị y tế, máy thở, oxy… không để bị động, bất ngờ.

Tinh thần trách nhiệm, ý thức của người dân, sự chủ động của chính quyền cơ sở sẽ là những điều kiện chuẩn bị cần thiết, tiên quyết cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống người dân, chủ động thích ứng an toàn với dịch COVID-19 để thực hiện “mục tiêu kép”./.

>>> Thích ứng an toàn với dịch COVID-19: Bài 1: Phải thực sự bắt đầu từ cơ sở, từ người dân

>>> Thích ứng an toàn với dịch COVID-19: Bài 3: Hiến kế kịch bản thích ứng với dịch bệnh trong giai đoạn mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục