Thích ứng Logistics xanh - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

19:37' - 09/09/2024
BNEWS Ngành logistics Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm.

Logistics trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Bối cảnh hiện nay, cùng những diễn biến phức tạp trên thị trường Logistics toàn cầu, ngành logistics đang đối mặt với yêu cầu mới; trong đó, có xu hướng chuyển đổi xanh.

Chia sẻ về tình hình phát triển ngành logistics của Việt Nam và những đóng góp của ngành trong hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay tại tọa đàm Thích ứng Logistics xanh - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 9/9, bà Đặng Hồng Nhung, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư và sự bùng nổ của thương mại điện tử, logistics Việt Nam cũng đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 15% và quy mô thị trường từ 40 đến 42 tỷ USD/năm.

Tham gia thị trường logistics hiện nay có trên 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và kho bãi, trong đó có những tên tuổi rất lớn của thế giới như DHL, CJ logistics và Maersk Lines… Doanh nghiệp Việt Nam cũng có những doanh nghiệp rất mạnh như Transimex, Sotran, Tân Cảng Sài Gòn là những doanh nghiệp có đủ khả năng cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Bà Đặng Hồng Nhung- Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam hiện nay xếp thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ và Việt Nam đứng trong tốp 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng hạng với Philippines.

 

Báo cáo năm 2023 của Agility cho thấy, Việt Nam cũng nằm trong Top 10 thị trường logistics mới nổi và đứng thứ 4 về Chỉ số cơ hội logistics quốc tế cho thấy tiềm năng của thị trường logistics Việt Nam rất lớn.

Bà Đặng Hồng Nhung khẳng định, logistics đã đóng góp không nhỏ trong kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Nếu như năm 2010 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ hơn 150 tỷ USD thì con số này đã tăng 3,6 lần lên trên 680 tỷ USD vào năm 2023.

Đáng lưu ý, trong giai đoạn khó khăn do COVID-19 vừa qua, giai đoạn 2018 – 2022 tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn giữ được tốc độ rất tốt, trung bình 11,3%/năm. Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 có sự chững lại, tuy nhiên 7 tháng năm 2024 đã có sự phục hồi và đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 440 tỷ USD với mức tăng trưởng 17,1% so với cùng kỳ của năm ngoái.

Theo báo cáo và nghiên cứu dự báo của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại của toàn cầu và dự báo đến năm 2030 xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt trên 680 tỷ USD và với mức tăng trưởng trung bình 7%/năm. Tăng trưởng xuất nhập khẩu, sản xuất và sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ là những động lực chính cho sự phát triển của dịch vụ logistics trong thời gian tới.

Bà Đặng Hồng Nhung thông tin, logistics đóng vai trò rất là quan trọng trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu nói chung cũng như Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, logistics cũng là một ngành có phát thải rất lớn và mức độ tiêu hao năng lượng rất cao.

Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts, riêng hoạt động vận tải đã đóng góp đến 8% tổng lượng phát thải CO2 trên toàn thế giới. Nếu cộng thêm kho bãi nữa, con số này có thể lên đến 11%. Chính vì lý do đó mà logistics cũng sẽ là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất bởi xu hướng chuyển đổi xanh. Xu hướng này sẽ tác động đến ngành logistics bởi hai khía cạnh, vừa tạo áp lực và cũng sẽ là cơ hội.

Ông Mai Trần Thuật, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/ TTXVN

Áp lực ở chỗ doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ những quy định mới của các Chính phủ và các tổ chức quốc tế đối với chuyển đổi xanh trong việc hạn chế rác thải và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm.

Chẳng hạn như Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) đang siết chặt những quy định về nhiên liệu hàng hải và những quy định này sẽ tác động đến toàn bộ ngành hàng hải thế giới và Việt Nam cũng không tránh khỏi các quy định đó.

Bên cạnh những áp lực về việc tuân thủ quy định của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, áp lực cũng đến từ phía khách hàng. Bởi các nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đều là những khách hàng rất khó tính và có yêu cầu rất cao về các tiêu chí xanh.

Nếu như trước đây các tiêu chí này chỉ áp dụng đối với sản phẩm, nghĩa là sản phẩm phải xanh thì hiện nay tiêu chí này áp dụng với toàn bộ quy trình sản xuất ra sản phẩm đó, quy trình sản xuất ra sản phẩm phải xanh. Mới đây Liên minh Châu Âu (EU) ban hành cơ chế chuyển đổi biên giới carbon là CBAM năm 2026 sẽ chính thức có hiệu lực. 

Theo cơ chế này, EU họ sẽ áp thuế carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam và thuế này sẽ tùy thuộc vào lượng phát thải của quá trình sản xuất ra sản phẩm đó ở nước xuất khẩu. Hoa Kỳ sắp tới cũng đang dự kiến sẽ áp dụng thuế carbon đối với hàng nhập khẩu. Những quy định này sẽ đòi hỏi quá trình sản xuất ra hàng hóa ở các nước xuất khẩu phải xanh.

Theo bà Đặng Hồng Nhung, logistics với vai trò là hoạt động kết nối toàn bộ quá trình sản xuất, từ sản xuất cho đến người tiêu dùng cũng đứng trước đòi hỏi phải xanh hóa và nếu không đáp ứng được những yêu cầu này thì sẽ đứng ngoài cuộc chơi. Thế nhưng, bên cạnh vừa là áp lực thì chuyển đổi xanh cũng sẽ tạo ra động lực để ngành logistics nói chung và logistics Việt Nam nói riêng phải chuyển đổi để phát triển. 

Bởi, về lâu dài, chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí và chuyển đổi xanh cũng sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho ngành. Chẳng hạn như các dịch vụ vận tải với lượng carbon thấp hoặc các dịch vụ đóng gói thân thiện với môi trường. Do đó, việc chuyển đổi xanh là áp lực hay động lực sẽ tùy thuộc vào việc doanh nghiệp đối mặt và ứng dụng thế nào.

Đánh giá thế nào về thực tiễn tham gia các chuỗi logistics xanh của doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay, bà Trần Thị Thu Hương - Trưởng bộ môn Logistics và chuỗi cung ứng, Trường Đại học Thương mại cho hay, tại Việt Nam hiện nay có khoảng gần 30 tập đoàn logistics lớn trên thế giới và hơn 34.000 các doanh nghiệp logistics của Việt Nam.

Tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp logistics của Việt Nam mới chỉ đóng vai trò là vệ tinh, cung cấp các dịch vụ logistics vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài khi chúng ta thực hiện dịch vụ logistics quốc tế, hay nói cách khác là chúng ta mới chỉ tham gia được một phần trong chuỗi logistics toàn cầu.

Điều này sẽ tạo nên áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam ở góc độ khi các tập đoàn lớn, công ty logistics đóng vai trò là người điều hành chuỗi logistics trên toàn cầu chuyển đổi xanh và yêu cầu doanh nghiệp logistics Việt Nam khi tham gia cũng phải đáp ứng yêu cầu để xanh hóa toàn bộ chuỗi logistics của họ.

Điều này sẽ tạo cơ hội và thúc đẩy doanh nghiệp logistics Việt Nam chuyển đổi nhanh hơn. Đồng thời, với doanh nghiệp logistics lớn tại Việt Nam đứng dưới áp lực cạnh tranh với các công ty logistics nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam cũng buộc phải đẩy nhanh xanh hóa để có thể cạnh tranh lại, giành thị phần với các công ty logistics nước ngoài.

Theo ông Mai Trần Thuật - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á, công ty đã chủ động chuyển đổi xanh bằng việc thực hiện các giải pháp trong các khâu hoạt động như cắt giảm chi phí. Đơn cử, trước đây những vật tư đóng gói có thể sử dụng là xốp nổ, nilon không tái sử dụng được, công ty phải suy nghĩ câu chuyện tái chế những thùng carton, những vật liệu đóng gói để có thể tái sử dụng để đưa vào sử dụng. 

Cùng đó là câu chuyện giảm khí CO2, nhà kho số hoá và tối ưu hoá về tuyến đường nhằm tiết kiệm được chi phí nhiên liệu cũng như chi phí vận hành của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để logistics xanh chuyển đổi nhanh và mạnh vẫn cần trợ lực từ chính sách vĩ mô, đặc biệt khi đưa vào thực hiện. Cùng đó, có chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào logistics xanh cũng như phải đào tạo trong nội bộ doanh nghiệp về logistics xanh.

Bà Đặng Hồng Nhung nhấn mạnh, năm 2022 Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn logistics với chủ đề logistics xanh và Bộ Công Thương cũng công bố Báo cáo Logistics xanh. Từ thời điểm năm 2022 đến nay môi trường kinh doanh và nhận thức của doanh nghiệp về logistics xanh đã có sự thay đổi, kể cả những quy định về quản lý đã siết chặt hơn.

Có thể khẳng định logistics xanh giờ không còn là xu hướng và cũng không phải là sự lựa chọn của doanh nghiệp nữa mà sẽ là yêu cầu bắt buộc. Nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải tìm hiểu và đưa quy định xanh này vào chiến lược kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp đã có chiến lược kinh doanh và thậm chí đã triển khai logistics xanh cũng nên thường xuyên rà soát để cập nhật quy định cũng như chính sách ưu đãi mới của Chính phủ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục