Xây dựng Cam Ranh thành đô thị du lịch – logistics

10:52' - 26/07/2024
BNEWS UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Cam Ranh đến năm 2045, định hướng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật của khu vực phía Nam tỉnh này.
Đây sẽ là đô thị du lịch – logistics và là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không quan trọng của Khánh Hòa. Thành phố Cam Ranh có vị trí chiến lược về đảm bảo quốc phòng an ninh, đồng thời sẽ kết nối đồng bộ với đô thị sân bay Cam Lâm theo định hướng Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo dự báo về quy mô dân số, đến năm 2030, thành phố Cam Ranh có khoảng 320.000 người, đến năm 2045 sẽ đạt khoảng 823.000 người. Về quy mô đất đai, đến năm 2030 đất xây dựng toàn đô thị Cam Ranh sẽ đạt khoảng 8.396 ha, đến năm 2045, đất xây dựng toàn đô thị hơn 14.659 ha.

 
Về mô hình và hướng phát triển đô thị, Cam Ranh sẽ phát triển theo tuyến tính với trục giao thông chạy dài từ Bắc xuống Nam song song với Quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, đường ven biển, đường Lê Duẩn, phát triển khu vực đô thị về phía Bắc và phía Đông thành phố, nâng cấp phát triển các xã thành phường.

Cấu trúc không gian đô thị được xác định dựa trên khung cấu trúc không gian tự nhiên và cấu trúc không gian kinh tế, gồm 3 vùng cảnh quan chính. Vùng đồi núi phía Tây sẽ ưu tiên bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên núi Hòn Rồng; khu vực Cam Thịnh Tây, Cam Phước Đông sẽ bảo vệ nguồn nước, các hồ nước ngọt Hồ Tà Lương, hồ Suối Hành, hồ Sông Cạn; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan tự nhiên, phát triển nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái; sản xuất năng lượng tái tạo.

Cùng đó, vùng ven biển phía Đông nằm ở phía Đông của vịnh Cam Ranh sẽ ưu tiên bào vệ hành lang bờ biển, phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí biển, đảo. Vùng cảnh quan vịnh Cam Ranh trung tâm là vùng cảnh quan đô thị ven biển và sinh thái trung tâm của toàn thành phố.

Ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương sẽ huy động, bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị cho thành phố Cam Ranh như: tuyến đường vành đai, đường trục chính Bắc - Nam, Đông - Tây; nâng cấp, cải tạo chỉnh trang đường trục chính khu vực trung tâm; công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang, trạm xử lý nước thải theo từng giai đoạn quy hoạch; đầu tư xây dựng các công trình hành chính, văn hóa, công cộng.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng mới, mở rộng và chú trọng các dự án, công trình phục vụ dịch vụ, du lịch và logistic cùng nhóm công trình đảm bảo để các xã đủ tiêu chí thành phường; công trình đảm bảo để thành phố đạt tiêu chí trở thành quận vào năm 2030 khi tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như cảng khách du lịch quốc tế, bến thủy nội địa, không gian - cảnh quan ven vịnh, khu công viên sinh thái, công viên chuyên đề, khu đất dịch vụ, du lịch, logistics...

Cam Ranh là thành phố thứ 2 trực thuộc tỉnh Khánh Hòa cùng với thành phố Nha Trang và nằm ở phía Nam của tỉnh. Thành phố Cam Ranh sở hữu vịnh Cam Ranh nổi tiếng, có đảo Bình Ba án ngữ nên vừa kín gió vừa êm sóng, mang tầm quan trọng có thể sánh ngang với vịnh Sanfrancisco của Mỹ và vịnh Rio de Janeiro của Brazil.

Đặc biệt, trên địa bàn thành phố có sân bay Cam Ranh - là một trong số ít sân bay có đường băng lớn và dài nhất ở Việt Nam hiện nay và có tốc độ tăng trưởng hành khách cao. Thành phố Cam Ranh còn nằm trên các trục giao thông huyết mạch của cả nước gồm Quốc lộ 1, tuyến đường sắt thống nhất Bắc – Nam, rất thuận lợi cho xây dựng trung tâm tiếp nhận và trung chuyển khách du lịch. Theo số liệu thống kê, hiện nay dân số của thành phố Cam Ranh có hơn 130 nghìn người.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục