Thiệt hại hàng trăm triệu đồng do tôm bị dịch bệnh đốm trắng, chết hàng loạt

16:30' - 13/08/2018
BNEWS Ông Nguyễn Văn Sơn, khu phố 4, phường 12, thành phố Vũng Tàu có 2,7ha nuôi tôm thẻ chân trắng thì có 1,4ha tôm thẻ bị chết do dịch bệnh, khiến ông lỗ gần 100 triệu đồng.
Tôm chết hàng loạt ở vùng nuôi lớn nhất Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh minh họa: TTXVN

Thời gian gần đây, thời tiết không thuận lợi, chất lượng con giống kém khiến người nuôi tôm phường 12 (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là vùng nuôi tôm lớn của tỉnh liên tiếp bị thiệt hại nặng nề do tôm bị dịch bệnh đốm trắng, chết hàng loạt. Trong khi đây là vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh đã nhiều năm liền đều "trúng đậm" và nhiều hộ dân đã bỏ làm muối để chuyển qua nuôi tôm.
Ông Nguyễn Văn Sơn, khu phố 4, phường 12, thành phố Vũng Tàu có 2,7ha nuôi tôm thẻ chân trắng thì có 1,4ha tôm thẻ bị chết do dịch bệnh, khiến ông lỗ gần 100 triệu đồng. Ông Sơn cho biết, đa phần tôm của các ao nuôi chết là do bệnh đốm trắng.
Nguyên nhân chính khiến tôm chết bởi trời mưa nhiều, ít nắng, nhiệt độ giảm, ngoài ra do chất lượng nguồn giống. Những năm trước, đa số người nuôi lấy giống từ các trại ở Xuyên Mộc, nhưng năm nay chuyển sang lấy của một trại giống của thành phố Vũng Tàu nên chưa thể kiểm định chất lượng. Bên cạnh đó, một số ao, đùng nuôi tôm nằm gần một số công trình đang thi công nên chất lượng nguồn nước kém hơn mọi năm khiến tôm dễ mắc bệnh.
Ông Sơn xót xa: “Nếu năm trước với diện tích nuôi tôm của gia đình lãi hơn 200 triệu đồng, thì năm nay gần như trắng tay”. Trước tình hình dịch bệnh ông đang phải ngưng nuôi tôm trong các ao để rải vôi, phơi đáy ao, sau đó cho nước vào để xử lý hóa chất rồi tiếp tục xả nước và phơi ao để khoảng tháng 10 mới tiếp tục nuôi tiếp tôm vụ mới được”.
Còn ông Đặng Chí Đức (phường 12, thành phố Vũng Tàu) đang nuôi tôm trên diện tích 6ha; trong đó, nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 2ha. Theo ông Đức, những năm gần đây, thời tiết thuận lợi cho nuôi tôm, giá cả ổn định nên gia đình thu nhập khá, mỗi năm lãi 200-300 triệu đồng.

Năm nay, việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Vụ nuôi tôm đầu tiên của năm, ông thả giống vào tháng Giêng và cho năng suất khá cao, khoảng 10 tấn/ha nhưng giá tôm lại xuống thấp kỷ lục, chỉ 70.000 - 80.000 đồng/kg nên gia đình ông lỗ gần 30 triệu đồng.
“Lỗ vụ đầu tiên, tôi đặt nhiều kỳ vọng vào vụ tôm thứ 2. Tuy nhiên, sau khi thả giống được 40 ngày thì tôm đột ngột bỏ ăn, lờ đờ. Qua kiểm tra, tôi phát hiện tôm có nhiều đốm trắng ở đầu, ngực, bụng. Bệnh lây lan nhanh, khiến toàn bộ gần 7 vạn con tôm tôi nuôi vụ này chết trong vòng vài ngày, gây thiệt hại gần 150 triệu đồng. Tình trạng này không chỉ diễn ra trong các ao nuôi của tôi, mà gần 10 hộ nuôi tôm khác tại phường 12 cũng bị tương tự”, ông Đức cho biết.
Theo ông Đức, trước đây những ao nuôi tôm của gia đình đều là ruộng muối. Những năm trước, vào mùa mưa người dân chuyển qua nuôi tôm nước lợ, mùa nắng chuyển qua làm muối. Do việc nuôi tôm những năm gần đây gặp nhiều thuận lợi, thu nhập cao nên ông cùng một số người dân trong vùng chuyển qua nuôi tôm 2 vụ/năm, bỏ không làm muối. Và sau gần 10 năm nuôi tôm trên những ruộng muối này, đây là năm ông và người dân nuôi tôm trong vùng bị thiệt hại nặng nề nhất.
Trước tình hình trên, hiện các hộ nuôi tôm ở phường 12 cải tạo, xử lý ao để chuẩn bị vụ tôm cuối năm. Các hộ mong ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân nắm bắt kỹ thuật nuôi tôm an toàn, hiệu quả. Được biết, hiện trên địa bàn phường 12, thành phố Vũng Tàu có gần 40ha nuôi tôm nước lợ. Vụ vừa qua, gần 15ha tôm bị chết, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho người nuôi tôm.
Kỹ sư Phạm Thị Thu Nga, Phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết, để phòng ngừa bệnh cho tôm, người nuôi cần chú ý theo dõi và bổ sung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm, đồng thời tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Ao nuôi cần có hệ thống thu gom nước mưa, tránh nước mưa xung quanh đổ dồn xuống ao, làm độ PH trong ao nuôi bị giảm đột ngột, gây sốc có thể làm tôm chết hàng loạt.
Đối với những vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời./.

>> Nghệ An: Đê bao yếu uy hiếp vùng nuôi tôm trọng điểm và hoa màu

>> Cà Mau kiên quyết chấn chỉnh việc nuôi tôm siêu thâm canh gây ô nhiễm môi trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục