Trà Vinh tự trồng và bảo vệ hơn 4.000 ha rừng kết hợp nuôi tôm sinh thái

12:30' - 27/06/2018
BNEWS Mô hình trồng rừng kết hợp nuôi tôm sú sinh thái (quảng canh) của Trà Vinh đang đem lại hiệu quả bền vững, bảo vệ được môi trường trước tình hình biến đổi khí hậu.
Mô hình trồng rừng kết hợp nuôi tôm sú mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh minh họa: Lê Huy Hải - TTXVN
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát nông thôn tỉnh Trà Vinh, tại các huyện ven biển như: Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành và thị xã Duyên Hải, hiện có hơn 4.000 ha rừng được người dân tự trồng và bảo vệ để kết hợp nuôi tôm sú sinh thái (quảng canh). Đây là mô hình đem lại hiệu quả bền vững, bảo vệ được môi trường trước tình hình biến đổi khí hậu.

Trà Vinh hiện có trên 9.000 ha rừng; trong đó, có 5.120 ha rừng được tỉnh giao khoán cho người dân và các tổ chức bảo vệ, số diện tích rừng còn lại do người dân tự trồng và quản lý. Việc người dân tự trồng rừng nhằm phát triển mô hình sản xuất kết hợp rừng - tôm, vừa ít tốn kém vốn đầu tư, vừa tránh được rủi ro thiệt hại do biến động về thời tiết, môi trường và dịch bệnh trên tôm.

Ông Huỳnh Văn Phong, ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải thực hiện mô hình rừng - tôm đã hơn 10 năm trên diện tích 4ha. Ông Phong cho biết, với diện tích 4 ha, ông dành 2ha để trồng các loại cây rừng như: đước, sú, mắm, để tạo bóng mát và làm nơi trú ngụ cho tôm cùng các loài thuỷ sản khác.

Mỗi năm ông thả nuôi khoảng 50.000 con tôm sú giống và 6.000 con cua biển giống. Toàn bộ quá trình nuôi chỉ bỏ vốn mua con giống, không tốn chi phí thức ăn và hiệu quả kinh tế mang lại bình quân mỗi năm trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, trên diện tích đất rừng, ông còn thả nuôi thêm vọp, sò huyết cho thêm thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm.

Bà Phạm Thị Hồng Diễm, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải cho biết, nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghiệp cho lợi nhuận cao. Tuy nhiên, mô hình này thả nuôi với mật độ cao, thời gian nuôi liên tục… đòi hỏi sự đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật nên rủi ro về ô nhiễm môi trường nước, dịch bệnh rất lớn.

Do hiện nay, ngành chuyên môn của tỉnh chưa quy hoạch cụ thể và đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp, siêu thâm canh nên có khoảng 70% nguồn nước thải từ ao nuôi tôm thải trực tiếp ra kênh rạch mà không được quản lý chặt chẽ nên tiềm ẩn nguy cơ cao dịch bệnh.

Vì thế, mô hình rừng- tôm hiện nay được xem là phương thức sản xuất lý tưởng nhất, cần được khuyến khích người dân phát triển khi không có đủ nguồn lực đầu tư thực hiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Huyện Duyên Hải có hơn 8.500 ha nuôi tôm hàng năm. Hiện nay, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang mô hình nuôi thuỷ sản kết hợp với rừng chiếm gần 60% diện tích.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang xây dựng kế hoạch đề nghị UBND huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ việc xây dựng chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm tôm sinh thái, giúp người dân tăng thêm thu nhập để giữ vững diện tích sản xuất rừng - tôm, vừa bảo vệ môi trường vừa cung ứng cho thị trường nguồn tôm thương phẩm sạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục