Thiếu hụt lao động- mối lo “kép” của các doanh nghiệp Nhật Bản

08:18' - 17/01/2022
BNEWS Từ các nhà máy ô tô, viện dưỡng lão đến các nhà ga xe lửa, các cơ sở làm việc ở Nhật Bản phải đối mặt với nguy cơ biến thể Omicron lây lan nhanh khiến họ không có đủ nhân viên để duy trì hoạt động.

Một số công ty, bao gồm Mazda Motor và nhà sản xuất điều hòa không khí hàng đầu Nhật Bản Daikin, đã cấm tổ chức các bữa liên hoan trưa hoặc tối.

Những công ty khác như công ty Đường sắt East Japan Railway (JR East) đang đào tạo nhân viên để đảm bảo rằng họ có đủ lực lượng lao động tuyến đầu.
Các biện pháp này được đưa ra khi Chính phủ Nhật Bản quyết định rút ngắn thời gian cách ly khuyến nghị từ 14 ngày xuống 10 ngày đối với những người đã tiếp xúc gần với các trường hợp mắc COVID-19, một phần trong nỗ lực duy trì các dịch vụ thiết yếu.

Ngày 14/1, lần đầu tiên nước này chứng kiến 20.000 ca mắc mới COVID-19, vượt qua mức kỷ lục ghi nhận trước đó vào ngày 1/9/2021.
Giám đốc điều hành của nột hãng sản xuất ô tô cho hay: "Kể từ năm ngoái, chúng tôi đã phải cắt giảm sản lượng do đại dịch COVID-19, vì vậy việc biến thể mới lây lan mạnh mẽ có nghĩa là chúng tôi càng mất nhiều cơ hội kinh doanh". Trong khi đó, Daikin, có trụ sở tại Osaka, đã đặt ra giới hạn về các cuộc gặp gỡ xã hội của nhân viên kể từ tháng 10/2021. Biến thể Omicron có tốc độ lan truyền nhanh chóng nên buộc công ty này đưa ra các chính sách chặt chẽ hơn.
Mối nguy trên không chỉ giới hạn trong các nhà máy sản xuất công nghiệp. Các viện dưỡng lão tại Nhật Bản cũng thường xuyên thiếu nhân viên và phải đối mặt với những trở ngại lớn trong việc đảm bảo nhân sự khi các điều dưỡng viên phải cách ly vì dịch COVID-19. Tình trạng thiếu phi công đã khiến United Airlines và các hãng hàng không khác của Mỹ cũng phải hủy các chuyến bay.
JR East, nhà điều hành tuyến đường sắt huyết mạch Yamanote của Tokyo, đã phải ngăn chặn việc thiếu lao động bằng cách chuẩn bị sẵn một lực lượng nhân viên dự phòng trong trường hợp khẩn cấp. Nhân viên làm các nghiệp vụ văn phòng đang được đào tạo để có thể tham gia phục vụ trong tuyến đường sắt này trong ngắn hạn.
Theo một nghiên cứu của Mizuho Research & Technologies, chỉ có khoảng 40% các doanh nghiệp có 100 nhân viên trở xuống tại Nhật Bản có kế hoạch dự phòng cho tình trạng “cháy” lao động như vậy, một nửa trong số đó là các tập đoàn lớn.

Và ngay cả những công ty chuẩn bị kế hoạch tốt cho việc đối phó với tình trạng thiếu nhân công vẫn có thể buộc phải tạm dừng hoạt động do gián đoạn chuỗi cung ứng.

Một giám đốc điều hành của một nhà sản xuất thiết bị cho biết: "Tình trạng thiếu hụt các phụ tùng sản xuất do đại dịch vẫn chưa hoàn toàn giảm bớt. Nếu công nhân nghỉ việc và các nhà máy phải ngừng hoạt động, chúng tôi sẽ không thể phục hồi những tổn thất đó trong năm tài chính hiện tại”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục