Thiếu hụt nguồn cung kỷ lục, giá bạch kim vẫn 'lặng sóng' bất thường

08:05' - 11/10/2024
BNEWS Mặc dù khoảng cách cung cầu lớn, nhưng giá bạch kim lại chưa có phản ứng như kỳ vọng, khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về nguyên nhân của sự chênh lệch này.
Theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới (WPIC), thị trường bạch kim đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung lớn nhất trong hơn 10 năm qua, do sản lượng khai thác giảm, khó khăn trong tái chế và nhu cầu công nghiệp mạnh mẽ.

Mặc dù khoảng cách cung cầu lớn, nhưng giá bạch kim lại chưa có phản ứng như kỳ vọng, khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về nguyên nhân của sự chênh lệch này. Hiện giá bạch kim dao động trong khoảng 952-962 USD/ounce, thấp hơn nhiều so với mức cao nhất năm 2024 là 1.094,50 USD/ounce ghi nhận được hồi tháng 5/2024.

 
Các vấn đề về tái chế đã ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung, với khoảng 25% nguồn cung bạch kim hàng năm đến từ vật liệu tái chế, chủ yếu từ xe hết niên hạn sử dụng.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Jeremy Szafron, người dẫn chương trình của Kitco News, ông Edward Sterck, Giám đốc Nghiên cứu tại WPIC, cho biết, hiện đang thiếu xe hết niên hạn sử dụng, do người dân sử dụng xe hiện có lâu hơn. Ông nói thêm rằng những thay đổi lối sống, chẳng hạn như làm việc từ xa, đã góp phần làm giảm số lượng xe được tái chế, gây áp lực lên nguồn cung bạch kim.

Trung Quốc, thị trường bạch kim lớn nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhu cầu. Ông Sterck cho hay những gì đang diễn ra ở Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu bạch kim toàn cầu. Bất chấp những lo ngại về kinh tế, nhu cầu của Trung Quốc vẫn ổn định, phần lớn nhờ các quy định nghiêm ngặt hơn về khí thải tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ. Việc thắt chặt các quy định giúp bù đắp bất kỳ điểm yếu nào tiềm ẩn trong sản xuất hoặc bán xe.

Xe lai (hybrid) cũng đã trở thành động lực chính của nhu cầu bạch kim. Ông Sterck giải thích xe hybrid cần nhiều bạch kim hơn trên mỗi xe so với động cơ đốt trong truyền thống vì động cơ của chúng thường xuyên được bật và tắt, dẫn đến nhiệt độ hoạt động thấp hơn. Để đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải, những chiếc xe này cần nhiều bạch kim hơn trong bộ chuyển đổi xúc tác.

Xu hướng chuyển sang xe điện (EV) và xe hybrid điện (HEV) cũng đã ảnh hưởng đến nhu cầu bạch kim. Trong khi xe điện chạy bằng pin (BEV) không yêu cầu bạch kim, xe hybrid, cả hybrid cắm điện (PHEV) và hybrid hoàn toàn, vẫn phụ thuộc nhiều vào động cơ đốt trong, sử dụng bộ chuyển đổi xúc tác có chứa bạch kim.

Dữ liệu ngành cho thấy doanh số bán xe hybrid đã tăng đáng kể, với nhiều người tiêu dùng lựa chọn xe hybrid như một công nghệ chuyển tiếp trước khi chuyển sang xe điện hoàn toàn. Xu hướng này đã góp phần làm tăng mức sử dụng bạch kim, đặc biệt là khi xe hybrid thường yêu cầu lượng bạch kim trên mỗi bộ chuyển đổi xúc tác nhiều hơn 10-15% so với động cơ đốt trong truyền thống.

Ông Sterck cho hay khi thị trường bạch kim tiếp tục đối mặt với những hạn chế về nguồn cung và nhu cầu công nghiệp thay đổi, việc điều chỉnh giá có thể là điều không thể tránh khỏi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục