Thiếu quy hoạch trong phát triển nghề nuôi trồng thủy sản biển

17:19' - 11/11/2016
BNEWS Nghề nuôi trồng thủy sản biển Việt Nam hiện phát triển mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, trình độ kỹ thuật của người dân chưa đáp ứng yêu cầu nên hiệu quả sản xuất chưa cao.
Hội thảo “Phát triển nuôi trồng thủy sản biển”, với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành ven biển. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở biển và hải đảo của nước ta hơn 244.000 ha; trong đó vùng nuôi bãi triều ven biển hơn 153.000 ha, vùng vũng vịnh và ven đảo gần 80.000 ha, diện tích còn lại ở vùng biển hở.

Từ năm 2010 đến nay, nghề nuôi trồng thủy sản biển đã có bước phát triển đáng kể, khi diện tích và sản lượng không ngừng tăng. Theo đó, diện tích nuôi trồng thủy sản biển hiện nay là trên 40.000ha, tăng khoảng 1.200ha, sản lượng đạt hơn 308.000 tấn, gấp gần 2 lần so với năm 2010.

Những loài nuôi chủ lực của nghề nuôi trồng thủy sản biển gồm: cá biển cho sản lượng trên 30.000 tấn, nhuyễn thể khoảng 269.000 tấn và giáp xác gần 8.900 tấn.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển nuôi trồng thủy sản biển” tổ chức ngày  11/11, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, nghề nuôi trồng thủy sản biển phát triển nhanh cũng làm nảy sinh nhiều bất cập.

Theo đó, nghề này phát triển mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, trình độ kỹ thuật của người dân chưa đáp ứng yêu cầu nên hiệu quả sản xuất chưa cao, môi trường vùng ven biển ngày càng bị ô nhiễm, con giống sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm, công nghệ lồng nuôi trên biển chưa đáp ứng được điều kiện khắc nghiệt của thời tiết…

Để nghề nuôi trồng thủy sản biển phát triển bền vững, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó tập trung vào sản xuất con giống, áp dụng công nghệ...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, cần tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng con giống; nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ về thiết bị nuôi như: lồng, bè, cơ sở hậu cần, cũng như về loài, mùa vụ, hình thức nuôi, sao cho phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Trương Đình Hòe cho biết, trong tổng số sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, có khoảng 70% sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng.

Vì vậy, thủy sản nuôi trồng cần phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng; trong đó phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là yêu cầu về các loại dư lượng và chứng nhận về vùng nuôi liên quan đến môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục