Thỏa thuận "Thứ Sáu tốt lành" sẽ được duy trì

20:33' - 27/03/2019
BNEWS Thỏa thuận “Thứ Sáu tốt lành” để đem lại hòa bình cho vùng Bắc Ireland thuộc Anh sẽ tiếp tục có hiệu lực dù kịch bản Brexit (việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu –EU) có ra sao.

Đây là tuyên bố của Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier trước Nghị viện châu Âu tại thành phố Strasbourg (Pháp) ngày 27/3.

Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier. Ảnh: AFP

Ông Barnier nhấn mạnh: “Việc tuân thủ thỏa thuận trên đồng nghĩa với việc ngăn sự trở lại của một đường biên giới cứng giữa nước CH Ireland và Bắc Ireland".

Quan chức này cho biết thêm Vương quốc liên hiệp Anh sẽ tiếp tục là bên cốt lõi đảm bảo thỏa thuận và EU sẵn sàng bổ sung những nguồn lực sẵn có cho Ireland, trong đó có hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, nhằm giải quyết mọi khó khăn nảy sinh.

Theo thỏa thuận “Thứ Sáu tốt lành” ký năm 1986, đường biên giới Ireland với vùng Bắc Ireland là đường biên giới mềm không có các chốt chặn kiểm soát.

Tuy nhiên, khi Anh rời EU thì đây chính là đường biên giới giữa EU với Anh, mà theo quy định của EU thì trên biên giới giữa EU với một quốc gia khác sẽ phải thiết lập các chốt chặn kiểm soát.

Hồi năm ngoái, Thủ tướng Theresa May và các lãnh đạo EU đã nhất trí sẽ dùng phương án "chốt chặn cuối cùng", theo đó Bắc Ireland sẽ vẫn tuân thủ quy định của EU cho đến khi hai bên tìm được một giải pháp khác thay thế, nhằm đảm bảo duy trì đường biên giới mềm như hiện nay.

Tuy nhiên, kế hoạch này lại bị một số nghị sĩ ủng hộ Brexit phản đối. Đây cũng chính là những người đã bỏ phiếu phản đối thỏa thuận của Thủ tướng May, trong đó có đảng Dân chủ Hợp nhất (DUP), vốn ủng hộ Thủ tướng May.

Cùng ngày, một người phát ngôn của DUP khẳng định quan điểm của đảng này không thay đổi, tức là không chấp nhận thỏa thuận Brexit do bà May đề xuất.

Về phần mình, người đứng đầu nhóm nghị sĩ DUP, ông Nigel Dodds cho biết 10 nghị sỹ của DUP có kế hoạch bỏ phiếu cho một phương án thay thế thỏa thuận Brexit của bà May trong ngày 27/3, theo đó sẽ thay điều khoản chốt chặn Bắc Ireland bằng một dàn xếp dựa trên thỏa thuận tự do thương mại với mức thuế quan bằng 0%.

Trong khi đó, một nghị sỹ đảng Bảo thủ cho biết hàng chục nghị sỹ trong đảng này vẫn phản đối thỏa thuận rút khỏi EU. Dự kiến, trong ngày 27/3, bà May sẽ đưa ra thời điểm từ chức để đổi lại việc Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit, vốn 2 lần bị bác bỏ.

Liên quan đến kiến nghị tổ chức trưng cầu ý dân lần hai về Brexit, Giám đốc chiến dịch vận động Anh rời EU có tên gọi là “Vote Leave”, ông Dominic Cummings cho biết nếu một cuộc trưng cầu ý dân khác về Brexit được tổ chức, những người phản đối việc Anh ở lại EU sẽ bắt đầu thiết lập lại mạng lưới và sẽ giành đa số phiếu, thậm chí còn giành chiến thắng dễ dàng hơn cả cuộc trưng cầu hồi năm 2016.

Trong cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016, phe ủng hộ Brexit giành chiến thắng sít sao với 52% số phiếu trong khi phe ủng hộ EU chiếm 48% số phiếu.

Từ đó tới nay, phe phản đối Brexit cũng tìm nhiều cách để yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục