Thoát nghèo nhờ quả sơn tra

11:36' - 09/08/2018
BNEWS Hiệu quả từ cây sơn tra mang lại đã giúp nhiều hộ dân thoát đói nghèo, có tiền để mua sắm xe máy và nhiều vật dụng trong gia đình, trang trải cuộc sống.
Mang sơn tra (táo mèo) xuống chợ. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên nằm bên Quốc lộ 6 cũ, trên đỉnh đèo Pha Đin. Xã có 7 bản với hơn 500 hộ, hơn 2.000 nhân khẩu đang sinh sống, gần như 100% là đồng bào người dân tộc Mông.

Cây sơn tra (tên gọi khác là cây táo mèo) bén duyên trên đất Tỏa Tình cách đây hơn 20 năm. Từ diện tích vài hécta ban đầu, đến nay xã có hơn 140 ha cây sơn tra. Cùng với cà phê, sa nhân, cây sơn tra trở thành một loài cây trồng chủ lực giúp người Mông ở Tỏa Tình thoát nghèo, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân.

Những ngày đầu tháng 8, vượt quãng đường hơn 100km, chúng tôi đến Tỏa Tình lúc những ngọn núi trên đèo Pha Đin vẫn còn sương trắng bao phủ. Trên những sườn đồi ven Quốc lộ 6 cũ, những tốp người miệt mài với công việc hái quả sơn tra. Những cây sơn tra trĩu quả dần chuyển sang màu vàng, tức là đã đến độ để thu hoạch. Những đứa trẻ mới lên 6, 7 tuổi cũng theo bố mẹ, ông bà lên đồi hái sơn tra.

Mỗi đứa đeo trên mình một chiếc túi đeo chéo được may bằng bao bì hăng say vặt những cành trĩu quả thấp gần mặt đất; người lớn lại dùng thang để trèo lên những cây cao từ 5 – 7m để thu hái quả. Chốc chốc, một người lại có nhiệm vụ thu hết số sơn tra những người trên cây hái được để cho vào bao tải, chờ thương lái đến thu mua.

Công việc hái sơn tra diễn ra từ sáng sớm tới lúc trời tối nên hầu hết mọi người đều phải mang đồ ăn theo. Vụ thu hoạch sơn tra ở Tỏa Tình diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 7 – 9 hàng năm.

Ông Ly Vạ Vư, bản Hua Sa A trồng cây sơn tra vào năm 1996 và là một trong những người đầu tiên trồng loại cây này ở xã Tỏa Tình. Sau 5 năm, ông Vư bắt đầu thu hoạch lứa quả đầu tiên. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà loại cây trồng này mang lại tốt hơn cây sắn, cây ngô lại không tốn nhiều công chăm sóc, ông Vư cũng như nhiều người dân Tỏa Tình dần mở rộng thêm diện tích trồng sơn tra.

Đến nay, gia đình ông Vư có gần 2 ha diện tích đất trồng cây sơn tra, kể cả diện tích trồng xen kẽ trong các rừng thông. Toàn bộ diện tích trồng sơn tra của ông Vư đều đang cho thu hoạch. Nguồn thu từ sơn tra giúp gia đình ông thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế.

Ông Vư cho biết, "mỗi năm tôi thu hơn chục tấn quả sơn tra tươi, mang lại cho gia đình khoản tiền từ 70 – 80 triệu đồng/vụ. Hiệu quả từ cây sơn tra mang lại giúp gia đình thoát đói nghèo, có tiền để mua sắm xe máy và nhiều vật dụng trong gia đình, trang trải cuộc sống."

Quả sơn tra sau khi thu hoạch được người dân bày bán nhiều ở ven đường Quốc lộ 279 trên đỉnh đèo Pha Đin. Một số hộ cũng đã chế biến để các sản phẩm từ quả sơn tra đa dạng phục vụ người mua như: sơn tra khô, rượu ngâm sơn tra, mứt táo,…

Cũng có nhiều thương lái vào tận vườn của bà con đang thu hoạch để mua quả. Những năm gần đây, do nhiều người biết đến hiệu quả, công dụng của loại quả này nên sơn tra Tỏa Tình được phân phối rộng rãi hơn đến các tỉnh miền xuôi.

Chị Lê Thị Nhàn ở Thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) là một người đã nhiều năm kinh doanh các sản phẩm từ quả sơn tra cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến vụ thu hoạch sơn tra là tôi lại lên tận vườn của người dân để thu mua cho đảm bảo chất lượng. Bà con thu hoạch đến đâu thì thu mua đến đó, trung bình mua khoảng 1 – 2 tấn quả tươi/ngày. Quả sơn trao được phân phối về các tỉnh như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên và các tỉnh miền Nam.

Hiện toàn xã Tỏa Tình có hơn 140 ha diện tích cây sơn tra, được trồng tại 6/7 bản trong xã với hơn 220 hộ tham gia trồng; trong đó chủ yếu tập trung ở bản Lồng với gần 80 ha và bản Hua Sa A với 40 ha; sản lượng bình quân đạt từ 15 – 20 tấn quả tươi/ha. Với những ưu điểm như không cần phun thuốc, bón phân hay mất nhiều công chăm sóc nên cây sơn tra mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Theo ông Mùa A Dề, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, hiện cây sơn tra, sa nhân và cà phê là hai loại cây công nghiệp chiếm số lượng diện tích lớn nhất trong toàn xã.

Đây cũng là ba loại cây trồng chủ lực để giúp bà con Tỏa Tình thoát nghèo, phát triển kinh tế. Đặc biệt là đối với cây sơn tra, do không tốn công chăm sóc nên ít rủi ro, hằng năm đều cho thu hoạch quả để người dân có nguồn thu nhập ổn định.

Theo lãnh đạo UBND xã Tỏa Tình, khó khăn hiện nay là nguồn tiêu thụ chính vẫn chủ yếu là các tiểu thương, bán lẻ. Bởi vậy, dù lượng quả sơn tra thu hoạch của bà con vẫn tiêu thụ được, tuy nhiên giá thành không ổn định và vẫn không tránh khỏi tình trạng "cung-cầu”, giá cả không ổn định. Hiện nay giá bán quả sơn tra tươi tại vườn vào khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg.

Ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, tổng diện tích sơn tra của huyện hiện có hơn 170 ha, được trồng tập trung ở hai xã Tỏa Tình và Tênh Phông. Để phát triển bền vững cây sơn tra, huyện khuyến khích các doanh nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp liên kết với nhân dân để sản xuất loại cây này theo chuỗi từ ươm mầm đến thu hoạch, thu mua sản phẩm.

Về vấn đề đầu ra cho sản phẩm, ông Lò Văn Cương cho biết hiện đã có một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện và ở các tỉnh lân cận đặt vấn đề về việc thu mua sản phẩm quả sơn tra của bà con; có doanh nghiệp cũng đang tìm hiểu để xây dựng dây chuyền sản xuất rượu sơn tra ngay tại địa phương.

Tại xã Tỏa Tình cũng đang xây dựng Dự án Nhà doanh nghiệp theo mô hình cung cấp giống, chăm sóc cây cho đến việc cam kết thu sản phẩm, sẽ được thực hiện trong năm 2018 này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục