Thông điệp mới về chính sách tiền tệ của Fed

18:44' - 19/09/2023
BNEWS Nếu một lần nữa không tăng lãi suất, Fed sẽ phát đi tín hiệu mạnh mẽ về viễn cảnh đảo chiều chính sách, qua đó giảm tốc lộ trình tăng lãi suất liên tiếp kéo dài gần 2 năm qua.

Sau cuộc họp trung tuần tháng 6 vừa qua, Fed đã lần đầu tiên giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ 5-5,25%, kể từ tháng 3/2022 (trước khi tăng nhẹ trở lại trong tháng 7).

Do đó, các thị trường và giới phân tích đang theo dõi sát sao kết quả cuộc họp ngày 19-20/9 của Ủy ban Thị trường mở liên bang - cơ quan hoạch định chính sách của Fed.

Quyết định sắp tới sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ không chỉ về ngắn hạn, mà còn phần nào phác họa bức tranh nền kinh tế số một thế giới trong năm 2024.

Trong trường hợp lãi suất tăng trở lại, dù chỉ với 0,25 điểm phần trăm,  điều đó đồng nghĩa với việc cuộc chiến chống lạm phát chưa sớm kết thúc và quyết tâm đưa tỷ lệ lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2% vẫn là ưu tiên hàng đầu của kinh tế Mỹ.

Một số nhà đầu tư lớn trên thị trường, bao gồm J.P. Morgan và Janus Henderson Investor, cho rằng ngân hàng trung ương của Mỹ có thể đã hoàn thành lộ trình tăng lãi suất, sau chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ. Nhiều nhà phân tích dự báo kịch bản dễ xảy ra nhất đó là Fed thêm một lần giữ nguyên lãi suất.

Tính toán của công cụ FedWatch thuộc CME Group cho thấy 98% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp tháng 9. Theo kết quả khảo sát mới đây của hãng tin Reuters, có tới 94/97 chuyên gia kinh tế dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% -5,5% áp đặt sau cuộc họp hồi tháng 7.

Chuyên gia Sujan Hajra, Giám đốc Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc điều hành của Anand Rathi Shares & Stock Brokers, nhận định Fed sẽ tạm dừng lộ trình tăng lãi suất trong bối cảnh kinh tế bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu giảm tốc, xu hướng lạm phát bán lẻ giảm trên diện rộng và nguy cơ chính sách siết chặt tiền tệ kìm hãm tăng trưởng trong tương lai.

Đó là những yếu tố có thể khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ do dự trong việc tiếp tục tăng lãi suất và siết chặt dòng tiền.

 

Nhiều chuyên gia cho hay diễn biến nền kinh tế Mỹ hiện nay là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách của Fed thêm một lần “rà phanh” lãi suất. Kể từ sau cuộc họp gần đây nhất hồi tháng 7, tỷ lệ lạm phát tiếp tục giảm, trong khi tăng trưởng dù chưa cao nhưng ổn định và vững chắc, thị trường việc làm khởi sắc.

Tỷ lệ lạm phát lõi trong hai tháng 6 và 7, không tính giá thực phẩm và năng lượng vốn biến động, ở mức thấp nhất trong gần 2 năm.

Trong nỗ lực ghìm cương lạm phát và cho phép cung-cầu cân bằng lại, việc ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất liên tiếp đã đẩy lãi suất của các khoản thế chấp, thẻ tín dụng, cũng như tất cả các khoản vay khác lên cao. Lãi suất cao gây nhiều khó khăn cho người đi vay, có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng kinh tế. 

Thực tế này củng cố niềm tin của nhiều quan chức Fed rằng chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu phát huy tác dụng, do đó, chưa cần vội vàng tăng lãi suất. Họ muốn có thêm thời gian để lắng nghe phản ứng của thị trường và chờ nền kinh tế thật sự “ngấm” các lần tăng lãi suất liên tiếp trong hơn 1 năm qua.

Ngược lại, một số quan chức có quan điểm cứng rắn của Fed vẫn tin rằng siết chặt chính sách dòng tiền thêm một thời gian nữa là phù hợp để hoàn thành mục tiêu chống lạm phát. Ông Kristin Forbes, cựu quan chức Ngân hàng trung ương Anh và hiện giảng dạy tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), chia sẻ quan điểm này khi cho rằng “nên có thêm ít nhất một đợt tăng lãi suất khác từ nay tới cuối năm 2023”.

Ông V. K Vijayakumar, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Geojit Financial Services, cũng nhận định có thể Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9, song trong bối cảnh lạm phát dù có giảm nhưng vẫn rất cao như hiện nay, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ sớm thực hiện thêm một đợt tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, ông Lorie Logan nhấn mạnh “tạm dừng không có nghĩa là chấm dứt lộ trình tăng lãi suất. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đánh giá kỹ lưỡng các số liệu kinh tế để đưa ra chính sách phù hợp”.

Chủ tịch Fed Jerome Powell từng nói rằng các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ tiếp tục theo dõi cả số liệu kinh tế và các thách thức tiềm ẩn trong nền kinh tế để đưa ra quyết sách phù hợp.

Tuy nhiên, ông Powell tái khẳng định hạ nhiệt lạm phát vẫn là quyết tâm không đổi của Fed, phát đi tín hiệu rằng ngân hàng này để ngỏ khả năng có thêm ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Ngoài cuộc họp của Fed, giới chuyên gia kinh tế đang chờ đợi kết quả cuộc họp của Ngân hàng trung ương Anh (BOE) vào ngày 21/9 và cuộc họp của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) vào ngày 22/9. Các nhà đầu tư rõ ràng đang trông chờ cú hích cuối cùng trong cuộc chiến chống lạm phát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục