Thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ​

16:17' - 27/04/2023
BNEWS Ngày 27/4, Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khóa X tổ chức Kỳ họp thứ 13 (chuyên đề), thông qua Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030 với những mục tiêu cụ thể để phấn đấu.

Tại Kỳ họp, lãnh lạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành đã trình bày các tờ trình, dự thảo nghị quyết để đại biểu HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến liên quan đến công tác quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương năm 2021; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023; bổ sung danh mục các dự án cần thu hồi đất, mức vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng; hệ số điều chỉnh giá đất; giao bổ sung kế hoạch đầu tư vốn để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…

 

Đáng chú ý, trong số các Nghị quyết được thông qua có Nghị quyết Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó lưu ý về các chỉ tiêu liên quan đến môi trường, nước sạch nông thôn, phát triển đô thị, thu ngân sách nhà nước…

Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa Sóc Trăng từng bước thu hẹp và tiến kịp quá trình phát triển chung của cả nước, trở thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển cảng Trần Đề thành cảng biển đặc biệt và cửa ngõ vùng theo Nghị quyết số 13-NQ/TW; kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng nhanh, bền vững gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng; xây dựng chính quyền điện tử, chuyên nghiệp, hiện đại.

Mục tiêu cụ thể, Sóc Trăng phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,5%/năm thời kỳ 2021-2030; GRDP đầu người đạt 124 triệu đồng/người, theo giá hiện hành; thu ngân sách đạt 14.000 tỷ đồng; kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh; tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%; có 80/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-3%/năm, trong đó tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm 3-4%/năm...

Về tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng là trung tâm đầu mối về hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics của vùng, là cửa ngõ chính ra Biển Đông của các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là cực phát triển trung chuyển lớn trong hành lang kinh tế Đông - Tây thông qua tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, nối cảng biển nước sâu Trần Đề; đầu tư xây dựng đưa tỉnh trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao của vùng và cả nước; các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, dựa trên chính quyền số, xã hội số...

Cũng tại Kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng đã thông qua 7 Nghị quyết gồm: Nghị quyết quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương tỉnh Sóc Trăng năm 2021; chủ trương chuyển mục đích diện tích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách địa phương; giao bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương (vốn nước ngoài) giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; phân bổ bổ sung kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng...

Phát biểu tại kỳ họp, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng đề nghị UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các nghị quyết vừa được thông qua, bảo đảm đúng trình tự, quy định của pháp luật; khẩn trương hoàn tất hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được thông qua và tổ chức công bố, triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định.

Đồng thời, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phù hợp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch vốn được giao năm 2023, nhất là giải ngân vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục quan tâm triển khai các biện pháp phòng, chống, kiểm soát, ngăn chặn, không để dịch COVID-19 bùng phát trở lại, sẵn sàng, chủ động ứng phó với mọi tình huống.

Thường trực HĐND, các ban của HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục