Thông tấn xã Việt Nam luôn nằm trong dòng chảy Báo chí Cách mạng Việt Nam

17:42' - 28/10/2020
BNEWS Ngày 28/10, tại Hà Nội, Liên Chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phối hợp với Bảo tàng báo chí Việt Nam tổ chức tọa đàm "Báo chí Thông tấn trong dòng chảy Báo chí Cách mạng Việt Nam".

Tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập TTXVN (15/9/1945 – 15/9/2020); 60 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 – 12/10/2020); chào mừng Đại hội thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2020 – 2025; tiến tới Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI.

Tại tọa đàm, nguyên Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Trung nhấn mạnh: TTXVN luôn nằm trong dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam, thông tin kịp thời cho nhân dân trong và ngoài nước những thông tin về mọi mặt chính trị, đời sống, xã hội… Đây cũng là cơ quan tiếp nhận kịp thời, nhanh chóng những thông tin thế giới để phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân; được đánh giá là cơ quan báo chí chủ lực của Đảng, Nhà nước.

Nguyên Tổng Giám đốc TTXVN Trần Mai Hưởng xúc động chia sẻ, nhìn lại những hiện vật, hình ảnh được trưng bày tại Bảo tàng báo chí Việt Nam, ông như được nhìn lại một thời tuổi trẻ của bản thân đã sống, gắn bó cuộc đời với TTXVN.

Tại tọa đàm, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên TTXVN đã được nghe những chia sẻ, những câu chuyện của các nhà báo lão thành, qua đó các thế hệ sau phần nào hiểu được những vất vả, gian khó và sự nỗ lực khắc phục khó khăn của các thế hệ cha, anh đi trước.

Chia sẻ tại tọa đàm, Giám đốc Bảo tàng báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa bày tỏ cảm ơn TTXVN đã đồng hành, giúp đỡ, hiến tặng nhiều tư liệu quý giá từ những ngày đầu bảo tàng được thành lập. Bà Trần Thị Kim Hoa mong muốn tiếp tục được đón tiếp nhiều đoàn cán bộ các tổ chức, đơn vị và nhân dân đến tham quan, nghiên cứu về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, TTXVN nói riêng.

Theo Giám đốc Bảo tàng báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa, bảo tàng gồm 2 tầng với 5 phần trưng bày về Báo chí Việt Nam 5 giai đoạn: 1865-1925, 1925-1945, 1945-1954, 1954-1975 và từ năm 1975 đến nay.

Các không gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 1.500 m2 và được thể hiện bằng các cách thức trưng bày khác nhau, như: Giải pháp đồ họa trên đai vách; trưng bày các hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục, quay... cùng các giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu của công chúng.

Đặc biệt, tại Bảo tàng có những gian trưng bày dành cho các cơ quan báo chí lớn trong cả nước, trong đó có TTXVN. Tại đây, 118 tài liệu, hiện vật về TTXVN đã được trưng bày theo từng giai đoạn.

Giai đoạn từ năm 1945-1954 có 11 hình ảnh, tài liệu được trưng bày trang trọng trên vách và trong tủ kính. Giai đoạn 1954 – 1975 có 61 hình ảnh, tài liệu, hiện vật được trưng bày, trong đó, có nhiều ảnh tư liệu được sưu tầm từ các nhà báo lão thành và gia đình các nhà báo: Võ Thế Ái (Tháp tùng Bác Hồ thăm đập Thác Huống, Thái Nguyên, năm 1955); Nguyễn Đức Chính (Tổ quốc trên tiền tuyến, năm 1968); Lương Nghĩa Dũng (Đấu pháo trên Dốc Miếu). Ngoài ra, còn có nhiều tư liệu và hiện vật cũng được trưng bày trang trọng như: Thẻ Nhà báo Dương Thị Duyên; thiết bị làm ảnh của Báo ảnh Việt Nam; Máy thu phát tin sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ của Thông tấn xã Giải phóng; Bản đồ Sài Gòn của Nhà báo Nguyễn Thanh Bền; máy ảnh của Nhà báo Nguyễn Đức Chính…

Ở giai đoạn 1975 đến nay, có 46 ảnh, tài liệu và hiện vật của TTXVN được trưng bày, trong đó có bức ảnh nổi tiếng về chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập của nhà báo Trần Mai Hưởng… 

Ngoài ra, trong không gian này còn có nhiều tài liệu, hiện vật tiêu biểu khác được trưng bày như: Đài, máy ảnh của nhà báo Đào Tùng; đài của Nhà báo Liệt sỹ Hoàng Thanh Tùng; Báo Tuần Tin tức; ấn phẩm Bản tin Miền núi & Dân tộc số đầu tiên…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục