Thông tin khởi công một loạt dự án vào quý IV mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

20:18' - 13/08/2021
BNEWS Thị giá cổ phiếu đã tăng hơn 50% chỉ sau hơn 2 tuần giao dịch và chốt phiên giao dịch 13/8 giao dịch ở mức 34.000 đồng/đơn vị.

Ngay sau thông tin Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC, mã chứng khoán: DIG) khởi công một loạt các dự án, công trình trong quý IV/2021, cố phiếu DIG ghi nhận nhiều phiên tăng liên tiếp. Thị giá cổ phiếu đã tăng hơn 50% chỉ sau hơn 2 tuần giao dịch và chốt phiên giao dịch 13/8 giao dịch ở mức 34.000 đồng/đơn vị. 

Trước đó, doanh nghiệp này đã giới thiệu một loạt các dự án, công trình sẽ khởi công trong quý IV bao gồm: dự án Khu nhà ở Lam Hạ Center Point tại tỉnh Hà Nam, dự án Khu phức hợp Cap Saint Jacques giai đoạn 2 tại tỉnh Vũng Tàu, dự án Khu đô thị du lịch Long Tân tại tỉnh Đồng Nai và dự án Khách sạn Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Theo DIC, các dự án, công trình này nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 thông qua nhằm tạo nguồn công việc cũng như tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cho các năm tiếp theo; đồng thời, duy trì sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.

Trong đó, nổi bật là dự án Khu đô thị du lịch Long Tân đặt tại địa phận xã Long Tân và Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có diện tích 331,99 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 12.618 tỷ đồng; trong đó, mức đầu tư giai đoạn 1 trên 3.200 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành, tổng diện tích quyền sử dụng đất được phép chuyển nhượng lớn với hơn 1,5 triệu m2, có thể mang lại tổng doanh thu khoảng 28.315 tỷ đồng.

Đại diện DIC cho biết, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là tại các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trong đó, có các dự án của DIC tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Hậu Giang gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, đến nay, các thủ tục pháp lý của 4 dự án trên đã cơ bản hoàn thành và DIC đang khẩn trương phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để hoàn tất giải phóng mặt bằng đảm bảo liền mảnh cũng như các thủ tục đất đai theo quy định của pháp luật.

Theo quan sát của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietinbank (CTS), quỹ đất hơn 1.200 ha DIC đang sở hữu có thể khai thác trong chu kỳ từ 3-5 năm tới. Quỹ đất này đã được doanh nghiệp đầu tư từ lâu với chi phí giá vốn thấp nên giá bán sản phẩm dự kiến cạnh tranh.

Cùng với đó, việc DIC tập trung quỹ đất vào thị trường các tỉnh lân cận Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội được các chuyên gia CTS đánh giá là bước đi thích hợp với xu hướng hiện nay. Khi giao thông phát triển giúp thuận lợi cho người dân di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc dễ dàng. Ngoài ra, mặt bằng giá đất tại Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội ngày càng cao nên việc xây dựng các khu đô thị xung quanh thành phố với đầy đủ tiện ích sẽ phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của gia đình trẻ.

Từ năm 2021, các chuyên gia CTS ước tính doanh thu và lợi nhuận của DIC sẽ tăng mạnh nhờ ghi nhận từ các khu đô thị. Riêng năm 2021, DIC tiếp tục bán và ghi nhận khoảng 31 ha ở dự án Khu đô thị sinh thái Đa Phước tại tỉnh Đồng Nai, ước tính doanh thu khoảng 2.100 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án Gateway Vũng Tàu dự kiến ghi nhận giá trị thương mại 152 căn, dự án CSJ Vũng Tàu ghi nhận giá trị thương mại 38 căn còn lại, với tổng doanh thu mang lại khoảng 1.981 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia VTS cũng cảnh báo rủi ro khi giá nguyên vật liệu biến động khó lường dẫn tới ảnh hưởng tới tiến độ và tỷ suất lợi nhuận trong ngành.

Đồng quan điểm này, về phía Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS), nhóm phân tích cho rằng, giá thép tăng cao đang cản trở đối với quá trình thi công của các doanh nghiệp bất động sản bao gồm DIC.

Thời gian gần đây, giá nhiều vật liệu xây dựng có xu hướng tăng cao; trong đó, giá thép tăng đột biến đã tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư xây dựng. Đặc biệt tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi tập trung nhiều dự án sẽ bàn giao trong 2021 của DIC, giá thép xây dựng đã tăng đáng kể trong quý II/2021.

Theo bảng giá vật liệu xây dựng do Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công bố, đến tháng 4/2021, giá thép các loại đã tăng trung bình khoảng 25% so với đầu năm. Trong trường hợp nguồn cung thép lớn của thế giới là Trung Quốc vẫn đang cắt giảm sản lượng, khả năng cao giá thép sẽ khó điều chỉnh lại như mức cuối năm 2020. Điều này sẽ tác động xấu đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia ABS vẫn kỳ vọng, giai đoạn 2021 – 2022 là điểm rơi lợi nhuận của DIC với hàng loại các dự án trọng điểm đã hoàn thành thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng cho giai đoạn mới, đang chờ thi công, mở bán mới hoặc bàn giao từ quý IV/2021.

Về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, DIC ghi nhận doanh thu đạt 1.116 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 96 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 24,2% và 74% so với cùng kỳ năm 2020. Xét riêng cơ cấu doanh thu, mảng bất động sản chiếm tỷ trọng lớn, với nguồn doanh thu chủ yếu từ chuyển nhượng căn hộ dự án Gateway Vũng Tàu, dự án CSJ Vũng Tàu và chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án Nam Vĩnh Yên tại tỉnh Vĩnh Phúc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục