Gỡ vướng quy định pháp luật trong đầu tư, xây dựng và hoạt động doanh nghiệp

15:52' - 10/08/2021
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh vừa có kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, hoạt động doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, hoạt động doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan vừa kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung hoặc có văn bản hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện thống nhất, phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu quả công cụ quản lý nhà nước bằng chính sách.

Cụ thể, đối với hoạt động doanh nghiệp thông qua phương thức thương mại điện tử được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử, UBND Tp. Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung quy định phân cấp cho Thành phố để giao Sở Công Thương giải quyết các thủ tục hành chính như: thông báo thiết lập và sửa đổi thông tin website thương mại điện tử bán hàng, đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử và công bố các thông tin đã đăng ký trên trang chủ website…

Theo thống kê, hiện Thành phố chiếm khoảng 40% quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam. Số lượng thương nhân sở hữu website bán hàng, cung cấp ứng dụng thương mại điện tử có trụ sở trên địa bàn Thành phố rất lớn với trên 15.900 đơn vị và có xu hướng tiếp tục tăng cao.

Vì thế việc phân cấp quản lý cho Sở Công Thương sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết kết hồ sơ thông báo, đăng ký website ứng dụng thương mại điện tử bám sát với thực tiễn cũng như tạo điều kiện cho việc giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động thương mại điện tử sau khi đã thông báo, đăng ký.

Với hoạt động mua bán hàng hóa đối với nhà đầu tư, tổ chức kinh tế nước ngoài, UBND Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa nhà của nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài.

Theo UBND Thành phố, trong thực tế có thể rút ngắn thời gian xin ý kiến của Bộ Công Thương nếu phân cấp cho Tp. Hồ Chí Minh thẩm định, giải quyết các thủ tục hành chính đối với cơ sở bán lẻ không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini được lập trong trung tâm thương mại và có diện tích dưới 100 m2, dưới 500 m2.

Lý do là Thành phố đang triển khai “Quy hoạch phát triển ngành thương mại đến năm 2025 định hướng đến năm 2030”, trong khi quy mô cơ sở bán lẻ không lớn, khả năng ảnh hưởng không đáng kể đến thị trường bán lẻ.

Đồng thời cần rút ngắn thời gian quy trình nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường Việt Nam hoặc những doanh nghiệp đã đầu tư và đang mở rộng thị trường. Ngoài ra, Thành phố cũng có đủ điều kiện, năng lực thực hiện những nội dung được phân cấp. Việc giao quyền tự chủ cho Thành phố sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Về vấn đề đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, đại diện UBND Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị bổ sung, sửa đổi vấn đề giải thể doanh nghiệp theo hướng tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc đăng ký giải thể, phân định rõ ràng trách nhiệm của doanh nghiệp và Phòng Đăng ký kinh doanh (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành) khi chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể.

Đối với lĩnh vực đầu tư, xây dựng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn để xác định tổng chi phí tại Điều 45 của Nghị định 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. Cụ thể: “Chi phí cho ban xử lý tranh chấp được tính trong giá hợp đồng xây dựng và do mỗi bên hợp đồng chịu một nửa, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Tương tự, Thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng liên quan đến quy định chi phí thuê tư vấn nước ngoài; kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng liên quan đến chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng.

Trong khi đó, về vấn đề phát triển đô thị, hiện nay trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đang có nhiều dự án “ách tắc” do liên quan đến đất công xen cài trong ranh thực địa dự án. Về vấn đề này, UBND Thành phố kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành thông tư cụ thể hướng dẫn Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ về nội dung giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất do Nhà nước trực tiếp quản lý thuộc ranh thực địa dự án do chưa có sự rõ ràng về trình tự, thủ tục ảnh hưởng tới việc xem xét các hồ sơ chấp thuận chủ trương có phần đất này trong ranh quy hoạch dự án. Trong khi đó, một số nghị định liên quan của Chính phủ không quy định tiêu chí để xác định dự án nào là dự án phát triển nhà ở, dự án nào phát triển đô thị dẫn tới khó khăn trong quá trình thẩm định các dự án phát triển khu đô thị khi thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tương tự, UBND Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị bổ sung trường hợp “có quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thương mại, dịch vụ, sản xuất kinh doanh để xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch” vào khoản 2, Điều 18 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2015. Nguyên nhân là do sự chưa đồng bộ giữa Luật Nhà ở với Luật Đầu tư về vấn đề công nhận chủ đầu tư trong quá trình giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án./.

>>Nhiều doanh nghiệp TP. HCM dự kiến cắt giảm lao động trong quý III

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục