Thông tin về gói kích thích kinh tế 2.000 tỷ USD khiến Vn-Index tăng mạnh

17:15' - 25/03/2020
BNEWS Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/3, VN - Index tăng tới 31,04 điểm lên 690,25 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 270,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 4.894,2 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/3, VN - Index tăng tới 31,04 điểm lên 690,25 điểm. Ảnh: BNEWS/TTXVN
Các thị trường chứng khoán đã có phiên tăng mạnh sau thông tin các thượng nghị sỹ Mỹ và giới chức chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đạt được thỏa thuận về dự luật kích thích kinh tế quy mô lớn nhằm giảm bớt tác động về kinh tế do dịch COVID-19.

Phát biểu với các phóng viên sáng 25/3, quan chức Nhà Trắng Eric Ueland khẳng định: "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận" sau nhiều ngày đàm phán về gói kích thích kinh tế, dự kiến trị giá 2.000 tỷ USD.

Nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam cũng phản ứng rất tích cực trước thông tin này. Ngay sau khi mở cửa phiên sáng, sắc xanh đã ngập tràn sàn chứng khoán. Đến phiên chiều, thị trường càng trở nên tích cực, thậm chí nhiều cổ phiếu đầu ngành còn tăng lên mức giá trần.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/3, VN - Index tăng tới 31,04 điểm lên 690,25 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 270,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 4.894,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 301 mã tăng giá, 84 mã giảm giá, 39 mã đứng giá và 84 mã giảm giá.

HNX – Index tăng 3,14 điểm lên 100,09 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 48,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 430,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 96 mã tăng giá, 54 mã giảm giá và 55 mã đứng giá.

Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 26 mã tăng giá; trong đó có tới 7 mã tăng trần, 2 mã giảm giá và 1 mã đứng giá.

Theo đó, sau chuỗi phiên giảm sàn liên tiếp, nhóm cổ phiếu họ Vingroup hôm nay đều tăng lên mức giá trần. Cụ thể, VIC tăng tới 7%, VHM tăng 6,9%, VRE tăng 6,8%. Ngoài ra, PNJ, PLX, VCB, SSI, GAS, BVH, CTG đều tăng lên mức giá trần.

Đây đều là những mã cổ phiếu đầu ngành nên có tác dụng rất lớn giúp chỉ số tăng mạnh và lan tỏa tích cực ra thị trường chung.

Ngoài ra, các mã như: VNM cũng tăng tới 6,9%, MWG tăng 6,1%, HPG tăng 4,1%, SAB tăng 3,9%, FPT tăng 3,4%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chỉ có TPB là giảm giá nhẹ 0,2%, các mã còn lại đều ở chiều tăng giá khá mạnh. Ngoài VCB và CTG tăng trần, các mã như VIB tăng 7,4%, SHB tăng 6,7%, MBB tăng 5,7%, BID tăng 5,1%, HDB tăng 4,7%, ACB tăng 4,6%, VPB tăng 4,1%...

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến rất tích cực. Ngoài GAS và PLX tăng trần, các mã PVD, PVB, PVS, POW... đều có mức tăng từ 3,2% trở lên.

Dù thị trường diễn biến tích cực, nhưng khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng mạnh. Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng tới 343,57 tỷ đồng. Các mã được bán ròng mạnh là MSN (hơn 94,2 tỷ đồng), SVC (hơn 61 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại cũng bán ròng gần 22 tỷ đồng. Các mã được bán ròng mạnh là PVS (hơn 11,1 tỷ đồng), tiếp đến là TNG (trên 8,1 tỷ đồng) và KLF (hơn 2,3 tỷ đồng).

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng hơn 8,14 tỷ đồng. Các mã được bán ròng mạnh là BSR (hơn 6,7 tỷ đồng), QNS (hơn 4,4 tỷ đồng), ACV (hơn 3,7 tỷ đồng).

Trong khi đó, chứng khoán châu Á bật tăng trở lại trong phiên ngày 25/3 sau khi các nhà lập pháp Mỹ cuối cùng đã đạt được sự nhất trí về gói kích thích kinh tế "khổng lồ" nhằm hỗ trợ nước này đối phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Chỉ số Nikkei 225 tại thị trường chứng khoán Tokyo khép phiên ngày 25/3 với mức tăng 8% lên 19.546,63 điểm. Tâm lý của các nhà đầu tư cũng được xoa dịu khi Thế vận hội 2020 do Nhật Bản đăng cai tổ chức chỉ hoãn chứ không bị hủy.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 3,8% lên 23.527,19 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 2,2% lên 2.781,51 điểm.

Đáng chú ý, chứng khoán Singapore, Sydney và Manila đã tăng hơn 5%, còn chứng khoán Seoul tăng hơn 4%. Chứng khoán Đài Bắc (Trung Quốc) cộng thêm gần 4%, trong khi chứng khoán Mumbai, Bangkok và Wellington cũng hòa chung xu hướng tăng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục