Thủ đô của Ấn Độ “nghẹt thở” do khói độc từ núi rác cháy

19:54' - 23/04/2024
BNEWS Ngày 23/4, thủ đô New Delhi của Ấn Độ gần như bị “nghẹt thở” vì khói độc lan ra từ đám cháy ở núi rác lớn gần thành phố.

Đây là vụ cháy bãi rác mới nhất trong loạt vụ việc tương tự mà chính quyền đã phải nỗ lực kiểm soát trong nhiều năm qua.

Một số khu vực ở bãi rác Ghazipur tại thủ đô New Delhi đã bốc cháy từ ngày 21/4 vừa qua khiến nhiệt độ tăng lên và gây ra các làn khói dày đặc cùng khí thải methane, đồng thời làm gia tăng những thách thức về khí hậu ngày càng tăng của Ấn Độ. Theo truyền thông địa phương, đến ngày 23/4, phần lớn đám cháy tại bãi rác lớn nhất thủ đô New Delhi đã được dập tắt nhưng người dân sinh sống gần đó cho biết họ bị các vấn đề về đường hô hấp và mắt do không khí bị ô nhiễm kéo dài.

 

Nguyên nhân gây cháy vẫn chưa được làm rõ nhưng các vụ cháy bãi rác thường xảy ra do khí dễ cháy sản sinh từ quá trình phân hủy rác. Hàng năm, khi nồng độ thủy ngân tăng cao vào mùa Hè nắng nóng như thiêu đốt ở New Delhi, các bãi rác của thành phố bốc cháy kết hợp với rác thải phân hủy đã làm tăng thêm lượng khí thải khí methane khiến khí hậu ở Ấn Độ cũng nóng hơn.

Methane là loại khí nhà kính phổ biến thứ hai sau CO2 nhưng là tác nhân mạnh mẽ hơn gây ra khủng hoảng khí hậu vì giữ nhiều nhiệt hơn. Theo GHGSat, cơ quan giám sát khí thải qua vệ tinh, khí methane thải ra từ các bãi rác ở Ấn Độ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Năm ngoái, Trung tâm Khoa học và Môi trường, tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở New Delhi, công bố báo cáo cho thấy núi rác ở Ghazipur chỉ là một trong khoảng 3.000 bãi rác ở Ấn Độ tràn ngập rác thải đang phân hủy và thải ra khí độc hại. Với chiều cao 65 mét, núi rác này đang che khuất những ngôi nhà xung quanh và gây hại cho sức khỏe người dân.

Theo tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Không khí sạch toàn cầu, việc tiếp xúc với khí methane có thể làm trầm trọng thêm các bệnh về phổi, gây hen suyễn và tăng nguy cơ đột quỵ. Khí thải methane không phải là mối nguy hiểm duy nhất xuất phát từ các bãi rác thải. Trong nhiều thập kỷ, chất độc đã thấm vào lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước cho hàng nghìn người sống gần đó.

Theo báo cáo của giới chức địa phương công bố tháng 7/2022, mỗi ngày có hơn 2.300 tấn chất thải rắn được đưa đến bãi rác Ghazipur. Nhà chức trách đã triển khai thiết bị bay không người lái mỗi ba tháng một lần để theo dõi các núi rác và đang thử nghiệm các biện pháp để thu giữ khí methane từ các bãi rác. Tuy nhiên, chính quyền đang phải nỗ lực để ứng phó kịp với lượng rác thải vốn đã vượt quá sức chứa từ năm 2002.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục