Thu giữ và lưu trữ CO2: Giải pháp sai lầm cho tham vọng trung hòa khí hậu?

06:00' - 23/09/2024
BNEWS Thế giới đang đối mặt với thách thức khí hậu ngày càng tăng, việc tập trung vào giảm phát thải tại nguồn và chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch là con đường chính để đạt mục tiêu khí hậu bền vững.
Theo một báo cáo được tổ chức Greenpeace mới công bố và được công ty EnergyComment soạn thảo cho Greenpeace Đức, việc thu giữ khí CO2 và bơm vào lòng đất không phải là giải pháp hiệu quả để đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu cho nền kinh tế. Tổ chức phi chính phủ này cho rằng quy trình này là một "sai lầm nghiêm trọng".

Vậy công nghệ này hoạt động như thế nào? Nó tập trung vào việc thu giữ, vận chuyển và lưu trữ khí CO2 từ các ngành công nghiệp và các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Quy trình này bao gồm việc thu giữ khí thải CO2, sau đó vận chuyển chúng đến các địa điểm lưu trữ, chẳng hạn như các tầng ngầm hoặc các mỏ dầu, khí đã cạn kiệt. Khí CO2 sẽ được lưu trữ vĩnh viễn, ngăn không cho chúng xâm nhập vào bầu khí quyển và góp phần vào hiện tượng hiệu ứng nhà kính.

Tốn kém và "ngốn" nhiều năng lượng

Chi phí của quy trình thu giữ và lưu trữ CO2 rất cao, và các kỹ thuật không thể được tiêu chuẩn hóa vì điều kiện địa chất khác nhau, theo báo cáo của tổ chức Greenpeace. Ông Michel Huart, Giáo sư tại Đại học Tự do Brussels (ULB) chuyên về tính bền vững năng lượng, cũng đồng tình với nhận định này. Theo quan điểm thực tiễn, ông Huart nhận thấy có hai vấn đề chính: thu giữ và lưu trữ CO2. Việc thu giữ CO2 vẫn là một quá trình tốn kém và tiêu tốn nhiều năng lượng. 

Ông giải thích: "Quá trình thu giữ sẽ hiệu quả hơn nếu được thực hiện tại đầu ra của ống khói. Vì vậy, việc thu giữ CO2 từ các nhà máy điện than có thể hiệu quả hơn nhiều so với việc thu giữ khí từ ống xả của các phương tiện giao thông. Việc thu giữ CO2 chỉ nên được thực hiện ở những nơi có nồng độ khí thải cao. Do đó, việc thu giữ tại đầu ra của ống khói giúp hạn chế lượng khí thải ngay tại nơi nó được phát ra".

 
Sau khi CO2 đã được thu giữ, vấn đề tiếp theo là lưu trữ và tái sử dụng. Đây là vấn đề thứ hai. Ông Huart giải thích: "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang gặp bế tắc: việc sử dụng carbon theo chu trình tuần hoàn có nghĩa là phải chuyển đổi nó thành methane, điều này tạo ra một chu trình tuần hoàn carbon khả thi nhưng lại tiêu tốn rất nhiều năng lượng".

"Vỏ bọc" cho ngành nhiên liệu hóa thạch?

Theo Greenpeace, các dự án thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) "vẫn chưa mang lại kết quả khả quan". Những dự án này thường xuyên bị trì hoãn, hủy bỏ và gặp phải các vấn đề địa chất không lường trước được. 

Hiện tại, trên thế giới chỉ có một số ít nhà máy CCS, trong đó có hai nhà máy ở châu Âu (Na Uy). Tại một trong hai nhà máy này, CO2 đã rò rỉ vào các lớp địa chất không được dự tính trước, và những lớp này lại gần bề mặt Trái đất hơn so với dự đoán ban đầu. Ở nhà máy còn lại, các nỗ lực bơm CO2 đã phải dừng lại vì áp lực dưới lòng đất tăng quá nhanh.

Theo Lionel Dubois, kỹ sư tại Đại học U-Mons (Bỉ) những sự cố này không phải là thất bại mà là minh chứng cho việc các nhà máy này đang được giám sát cẩn thận. Ông giải thích: "Giống như bất kỳ hoạt động công nghiệp nào, quá trình này không thể triển khai ngay lập tức mà không gặp phải các vấn đề. Sự cố có thể xảy ra, nhưng việc phát hiện sự gia tăng áp lực là nhờ vào hệ thống giám sát tốt. Sau đó, các điều chỉnh cần thiết đã được thực hiện để hạn chế các vấn đề".

Về phía Greenpeace, họ cho rằng CCS không phải là giải pháp kỳ diệu mà một số ngành công nghiệp hy vọng để kéo dài việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Phát ngôn viên của Greenpeace Bỉ, Nadia Cornejo, nhấn mạnh: "Dựa vào CCS chỉ là cách trì hoãn việc chuyển đổi không thể tránh khỏi sang một ngành công nghiệp không dùng nhiên liệu hóa thạch. Cách duy nhất để đối phó với thách thức khí hậu là giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, tức là việc sản xuất khí nhà kính".

Giáo sư Michel Huart cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông, đây là một loại công nghệ vỏ bọc cho ngành nhiên liệu hóa thạch. Vào thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, chưa phải là một quy trình công nghiệp hóa. Nhưng ít nhất, điều này cho phép ngành nhiên liệu hóa thạch tự xanh hóa mình, bởi việc thải CO2 là một phần không thể tránh khỏi của việc đốt cháy năng lượng hóa thạch. Do đó, đối với ngành công nghiệp này, CCS vẫn là một cách để theo kịp các thách thức khí hậu.

Giáo sư Michel Huart nhấn mạnh thách thức quan trọng nhất hiện nay là giảm lượng phát thải CO2. Ông nói: "Chúng ta cần loại bỏ năng lượng hóa thạch và chuyển sang năng lượng tái tạo". Vì vậy, ông cho rằng các dự án CCS chủ yếu là một lĩnh vực nghiên cứu và cần thời gian dài để phát triển, chưa phải là giải pháp cụ thể cho vấn đề ngay lập tức.

Ông Lionel Dubois, người đã nghiên cứu việc thu giữ CO2 gần mười năm qua, thừa nhận: "CO2 được thu giữ hiệu quả nhất là CO2 mà chúng ta không phát thải ngay từ đầu". Ông giải thích: "Khi có thể áp dụng các biện pháp khác để tránh phát thải CO2, chúng ta nên ưu tiên những phương pháp đó". 

Tuy nhiên, ông cho rằng trong một số trường hợp, điều đó là không thể, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp như sản xuất xi măng và vôi. Những ngành này vẫn phát thải CO2 ngay cả khi họ giảm carbon trong nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, dù họ sử dụng năng lượng tái tạo hoặc không dùng nhiên liệu hóa thạch, 2/3 lượng CO2 phát thải vẫn liên quan đến nguyên liệu đầu vào.

Dù các ngành công nghiệp cố gắng giảm phát thải CO2, ông Dubois cho rằng sẽ có lúc công nghệ thu giữ và lưu trữ CO2 trở nên cần thiết để đáp ứng các cam kết về giảm phát thải. "Một giải pháp khác là đóng cửa các ngành công nghiệp này trong nước. Nhưng điều gì sẽ xảy ra? Chúng ta sẽ phải nhập khẩu sản phẩm từ các khu vực khác trên thế giới, nơi có quy định môi trường còn lỏng lẻo hơn. Vì vậy, việc chỉ trích công nghệ này không phải là giải pháp hiệu quả".

Nhà nghiên cứu này cảm thấy "rất tiếc" khi công nghệ và bảo vệ môi trường bị đặt vào thế đối lập. Ông xem công nghệ là một công cụ hỗ trợ, tương tự như các biện pháp tiết kiệm năng lượng khác, và nhấn mạnh rằng nó không phải là giải pháp kỳ diệu. "Đây là một công cụ hữu ích, nhưng không phải là phép màu. Chúng ta sẽ sử dụng nó khi nó thực sự cần thiết và có ý nghĩa. Tuy nhiên, có những lúc nó có thể không phù hợp, và chúng ta sẽ không áp dụng".

Mục tiêu khí hậu

Theo Greenpeace, các kỹ thuật chôn CO2 dưới lòng đất đang được ngành công nghiệp và các nhà hoạch định chính sách quảng bá như là giải pháp để làm cho những hoạt động gây ô nhiễm nhất trở nên trung hòa khí hậu. Ví dụ, tại Bỉ, vào tháng 6/2024, 15 nhà đầu tư lớn như Fluxys, ArcelorMittal và Ineos đã yêu cầu chính phủ hỗ trợ họ trong việc thu giữ và lưu trữ carbon. Họ lo ngại rằng không thể chuyển giao hoàn toàn chi phí cao hơn của việc lưu trữ CO2 trong một thị trường cạnh tranh.

Ngành công nghiệp nặng cần phải giảm đáng kể lượng phát thải CO2 để đạt được các mục tiêu khí hậu. Na Uy đang mở ra một giải pháp bằng cách đầu tư mạnh vào công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon. Dự án này bao gồm việc thu giữ và lưu trữ khí thải CO2 trong các mỏ khí trống rộng lớn ở biển Bắc. Có kế hoạch chuyển CO2 từ Bỉ đến các địa điểm lưu trữ này qua một đường ống, một dự án dự kiến sẽ tiêu tốn hàng tỷ euro.

Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với các thách thức khí hậu ngày càng gia tăng, việc tập trung vào giảm phát thải tại nguồn và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch sẽ là con đường chính để đạt được các mục tiêu khí hậu bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục