Thu hút đầu tư xanh cho vùng Đông Nam bộ

09:09' - 13/10/2023
BNEWS Đông Nam Bộ được đánh giá là vùng có tiềm năng và động lực để thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, bao gồm cả vốn đầu tư trong và ngoài nước, tập trung vào các lĩnh vực xanh, phát triển bền vững.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TTXVN phát

Chiều 12/10, tại tỉnh Đồng Nai đã diễn ra hội thảo thu hút đầu tư xanh cho vùng Đông Nam bộ, do Báo Người Lao Động tổ chức .

Là khu vực dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Đông Nam Bộ được đánh giá là vùng có tiềm năng và động lực để thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, bao gồm cả vốn đầu tư trong và ngoài nước, tập trung vào các lĩnh vực xanh, phát triển bền vững.

 

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho hay, vùng Đông Nam bộ có 692 doanh nghiệp nằm trong diện phải kiểm kê phát thải khí nhà kính. Đây là một thách thức vì vậy cần có một chương trình khung; đồng thời có sự tích hợp, lồng ghép chương trình phát thải vào các chương trình của bộ, ngành.

Tiếp theo là giải pháp về tài chính, như tín dụng xanh, cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh, chính sách thuế để tạo động cơ, hình thành các thị trường tín chỉ carbon. Về góc độ vùng và địa phương cần phải có cơ chế liên vùng, cải cách môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, có chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp đang hoạt động chuyển đổi mô hình tăng trường từ "nâu" sang "xanh".

Theo PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing, đầu tư xanh không những mang đến những tác động tích cực cho chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường mà còn mang lại những lợi ích to lớn đối với nền kinh tế.

Đầu tư xanh mang lại cơ hội lớn cho quốc gia, vùng lãnh thổ và cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi mà xu hướng phát triển chính của các quốc gia là giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế tuần hoàn...

Xét trên bình diện quốc gia, vùng lãnh thổ, đầu tư cho các dự án xanh, công nghệ xanh, sản phẩm xanh giúp thay đổi lối sống tiêu dùng xanh trong cộng đồng; lợi thế cạnh tranh, danh tiếng của doanh nghiệp, của quốc gia, sự phát triển kinh tế của vùng lãnh thổ được tăng thêm khi tài chính xanh hỗ trợ cho các dự án xanh, sản phẩm xanh trong nền kinh tế.

Xét ở góc độ doanh nghiệp, những doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh sẽ thu hút được nhiều vốn từ các nhà đầu tư, gia tăng lượng khách hàng, từ đó làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp. Mặt khác, các dự án xanh có thể huy động được vốn từ ngân hàng với chi phí thấp hơn so với thông thường.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết những năm gần đây ông có nghiên cứu về sự phát triển vùng Đông Nam Bộ, nhận thấy sự phát triển của vùng rất nhanh. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng nhiều năm liền chưa thay đổi. Sự đổi mới mô hình tăng trưởng của vùng là nhu cầu tất yếu, nếu vùng không chuyển đổi được thì cả nước cũng không thể chuyển đổi được vì vùng này có điều kiện, có nguồn lực, có áp lực phải chuyển đổi và có động lực để chuyển đổi.

Vùng này thu hút đầu tư có chọn lọc vào các khu công nghiệp theo hướng công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, ít sử dụng lao động, trồng nhiều cây xanh hơn để tạo mội trường đầu tư xanh hơn. Đông Nam Bộ phải tập trung xử lý rác thải, ô nhiễm, nhất là ô nhiễm nguồn nước trên cơ sở phương châm là phải sử dụng rác thải như 1 nguồn tài nguyên, có sự phối hợp vùng để tạo quy mô đủ lớn để tạo động lực cho nhà đầu tư có quan tâm./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục