Thu hút vốn đầu tư vào khu chế xuất, khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh tăng mạnh

17:20' - 20/05/2021
BNEWS Tính từ đầu năm 2021 đến nay, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 236,1 triệu USD, tăng 22,87% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (Hepza), dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng các doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 236,1 triệu USD, tăng 22,87% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong số đó, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 125 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, gồm: 3 dự án cấp mới với vốn đầu tư đăng ký 122,21 triệu USD và 4 dự án tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng 2,8 triệu USD.

Tương tự, đầu tư trong nước cũng thu hút hơn 2.569 tỷ đồng, tương đương 111,09 triệu USD; trong đó, có 13 dự án đầu tư mới với vốn đầu tư đăng ký 2.124,27 tỷ đồng, tương đương 91,85 triệu USD, 6 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng đạt 444,99 tỷ đồng, tương đương 19,24 triệu USD.

Một trong những ngành nghề thu hút vốn đầu tư nhiều nhất là dịch vụ xây dựng nhà xưởng, kho cho thuê, chiếm 68,83% với vốn đầu tư đạt 147,34 triệu USD; tiếp đến là dược phẩm, phần mềm, thực phẩm…

Nhận định về tình hình đầu tư, ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp thành phố cho rằng, dù dịch COVID-19 nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn tiếp tục tăng vốn do Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng kiểm soát tốt dịch bệnh.

Ủy ban nhân dân thành phố và Hepza cũng đã có những giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay do dịch bệnh và biến động kinh tế thế giới, tiếp tục khẳng định sự đồng hành của địa phương đối với doanh nghiệp và cũng là biện pháp xúc tiến đầu tư tại chỗ một cách hiệu quả trong bối cảnh hiện nay - ông Hưng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố là quỹ đất thu hút đầu tư ngày càng thu hẹp.

Các khu công nghiệp hiện hữu đang hoạt động dần lấp đầy, trong khi các khu công nghiệp mới chậm triển khai do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, pháp lý của chủ đầu tư, quy hoạch…

Bên cạnh đó, sau gần 30 năm hoạt động, các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu cũng đã bộc lộ nhiều thách thức mới, nhất là về cơ cấu đầu tư, tính lan tỏa, giá trị gia tăng của sản phẩm, ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…

Để khắc phục tình trạng này, ông Hứa Quốc Hưng cho biết, trước mắt Ban Quản lý các khu sẽ đẩy mạnh giải pháp tạo quỹ đất thu hút đầu tư theo định hướng của thành phố nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp; trong đó, tăng cường phối hợp với các sở ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai những khu công nghiệp đã thành lập nhưng chưa triển khai, các khu công nghiệp đã có trong danh mục quy hoạch của thành phố nhưng chưa thành lập...

Đặc biệt, Ban sẽ chú trọng phối hợp với cơ quan chức năng rà soát quỹ đất có thể phát triển công nghiệp để bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025; định hướng xây dựng khu công nghiệp mới Phạm Văn Hai với diện tích 668 ha có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý khu nâng cao chất lượng thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp; tập trung thu hút đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, nhất là ngành cơ khí theo hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngành công nghệ.

Đồng thời, Ban cũng tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố từng bước chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu sang hướng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI nhằm thúc đẩy tính lan tỏa về công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cùng đó, phát triển các giải pháp dịch vụ đô thị gắn với khu công nghiệp như: nhà ở cho công nhân và chuyên gia, trung tâm thương mại, trường học để giảm thiểu việc đi lại trong thành phố và thu hút nguồn lao động có kỹ năng và tri thức trong thời gian tới…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục