Thu nhập cao từ nuôi cá tầm trong lồng bè

09:50' - 04/08/2019
BNEWS Không những đem lại hiệu quả kinh tế cao, việc tiêu thụ thuận lợi, mô hình nuôi cá tầm trong lồng bè ở Lào Cai đã khai thác được thế mạnh của địa phương.
Thu nhập cao từ nuôi cá tầm trong lồng bè ở Lào Cai. Ảnh minh họa: TTXVN

Không những đem lại hiệu quả kinh tế cao, việc tiêu thụ thuận lợi, mô hình nuôi cá tầm trong lồng bè ở Lào Cai đã khai thác được thế mạnh của địa phương (với 2 hệ thống sông Hồng và sông Chảy chảy qua nhiều huyện và gần 30 hồ đập thủy điện ở vùng cao)… để phát triển nghề nuôi cá lồng nói chung và cá tầm trong lồng bè nói riêng đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng thu nhập bền vững cho nông dân ở các xã đặc biệt khó khăn. 

Tỉnh Lào Cai hiện có trên 14.000 ha mặt nước và hàng trăm ha ruộng canh tác hiệu quả thấp có thể chuyển đổi sang nuôi thuỷ sản; trong đó, ao hồ nhỏ và hồ chứa chủ yếu nuôi các loài cá truyền thống, cá trắm cỏ, cá chép lai, cá rô phi, cá trôi, cá nheo…và trên 50.000 m3 thể tích bể nuôi cá nước lạnh gồm cá hồi vân và cá tầm. Hàng năm, sản lượng cá của tỉnh đạt trên 5.300 tấn/năm.

Ngoài ra, tỉnh có trên 500 lồng bè nuôi cá với thể tích trên 25.000 m3, chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, chép lai, lăng, nheo, diêu hồng... với sản lượng ước đạt 400 tấn/năm.

Theo ông Đặng Danh Bộ, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai, nuôi trồng thủy sản ở Lào Cai còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: quy mô ao hồ nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống với phương thức quảng canh hoặc bán thâm canh bằng phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ. Việc khai thác nguồn nước sông và hồ chứa để đầu tư nuôi cá lồng thấp... hiệu quả chưa cao.

Trong bối cảnh đó, mô hình "Nuôi cá tầm trong lồng năm 2018 - 2019" thuộc dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, giai đoạn 2017-2019" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì đã được triển khai tại vùng đặc biệt khó khăn 30A với khoảng 50% số hộ thực hiện mô hình là dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai.

Sau một năm thực hiện, mô hình này đã thể hiện rõ tính ưu việt trong phát triển thủy sản bền vững, hiệu quả kinh tế cao đối với các địa bàn vùng cao, vùng sâu có khí hậu phù hợp và nguồn nước tiềm năng như: Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng...

Lựa chọn các xã ven hồ thủy điện Cốc Ly ( huyện Bắc Hà) là nơi thí điểm mô hình, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã bàn giao cá giống cho các hộ dân tham gia mô hình nuôi cá tầm trong lồng bè tại hồ thủy điện này. Theo đó, có 4 hộ dân tại 2 xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà) và Xuân Quang, (huyện Bảo Thắng) tham gia mô hình với tổng thể tích lồng nuôi là 400 m3, thời gian nuôi 10 - 12 tháng.

Hộ anh Bàn Mạnh Cường, thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà tham gia mô hình được hỗ trợ 750 con cá giống (trọng lượng >50gr/con) cùng 2.700 kg thức ăn hỗn hợp dành cho cá tầm đạt tiêu chuẩn và đáp ứng nhu cầu theo từng giai đoạn phát triển của cá.

Đồng thời, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phương pháp phòng, tránh các bệnh thông thường cho cá trong quá trình nuôi. Gia đình anh tham gia mô hình đối ứng bằng việc có đủ cơ sở vật chất như lồng bè chắc chắn, có thể tích đảm bảo theo yêu cầu, đối ứng thức ăn, chế phẩm sinh học phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của mô hình.

Anh Cường cho biết, sau 12 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống đạt trên 70%, trọng lượng trung bình đạt 1,8kg/con.

"Trong quá trình nuôi cá, chúng tôi chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý sức khỏe đàn cá. Khi gặp điều kiện bất lợi do biến động môi trường nước nuôi gây nên tình trạng thiếu oxy hòa tan và một số bệnh trên cá như: nấm thủy mi, nấm mang do phát hiện chậm đã gây ra hiện tượng cá chết làm giảm tỷ lệ sống trên đàn cá của mô hình. Tuy nhiên, sau đó, được sự chỉ đạo của cán bộ chuyên môn khắc phục kịp thời nên đàn cá khỏi bệnh và sinh trưởng phát triển bình thường", anh Cường chia sẻ.

Theo ông Đặng Danh Bộ, lợi ích lớn nhất từ mô hình là đã kiểm soát tốt nguồn giống, vật tư (có xuất xứ rõ ràng...), nên hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh... góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Hơn nữa, theo bộ tiêu chí đánh giá VietGAP trong nuôi trồng thủy sản cho thấy, sản phẩm của các hộ tham gia xây dựng mô hình trình diễn đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng nước nuôi thường xuyên được giám sát đo các chỉ tiêu kỹ thuật như: nồng độ oxy hòa tan, nồng độ pH, NH3…

. Vì vậy, sức khỏe đàn cá ổn định, trong quá trình nuôi không phải sử dụng kháng sinh, chủ yếu dùng vôi, tỏi… trong phòng trị bệnh cho cá, nên không có tồn dư kháng sinh trong sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Anh Cao Văn Lực, thôn Cóc Mằn, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai là một trong các hộ tham gia mô hình cho biết, chất lượng cá tốt nên giá bán cao, rất thuận lợi tiêu thụ. Gia đình anh lãi bình quân gần 29 triệu đồng/50 m3/năm.

Mỗi lao động trong gia đình có thể nuôi với thể tích gấp 4 lần (tức là 200 m3), do đó lãi sẽ cao gấp 4 lần, tương đương 116 triệu đồng/người/năm, bình quân đạt 9,65 triệu/người/tháng, hiệu quả kinh tế tăng 34,8% so với nuôi các loại cá truyền thống như: diêu hồng, chép, trắm.

Đặc biệt, nuôi cá tầm ở môi trường nguồn nước rộng, sạch, mát và được bổ sung thêm cá nhỏ tươi... nên chất lượng thực phẩm tốt hơn, công tác tiêu thụ thuận lợi và phát triển bền vững hơn.

Để tiếp tục nhân rộng mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức cho 30 nông dân có tiềm năng phát triển nuôi thủy sản ở 4 huyện gồm: Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương... đến trực tiếp tham quan, trao đổi học tập, dự kiến nhân rộng áp dụng mô hình từ năm 2019.

Đồng thời, hỗ trợ các hộ mô hình liên kết với doanh nghiệp phát triển tour du lịch sinh thái, tiêu thụ sản phẩm cá tầm trong lồng tại hồ thủy điện Cốc Ly và tiến tới xây dựng thương hiệu và gắn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cá tầm trong năm 2019./.

Xem thêm:

>>Giá cá lăng xuống quá thấp người dân gặp khó đầu ra

>>Thủy điện Hòa Bình xả lũ, người nuôi cá lồng thiệt hại nặng nề

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục