Thử thách mới với hệ thống điện – Bài 3: Thêm cuộc “thử lửa”

19:18' - 10/05/2018
BNEWS Ngay từ cuối năm 2012 và đầu năm 2013, sau khi cân đối cung cầu, EVN nhận thấy tình hình cung cấp điện sẽ khó khăn cho khu vực miền Nam, nhiều nơi đã bị mất điện cục bộ do quá tải đường truyền.

Trạm 220kV Vũng Tàu. Ảnh: TTXVN

Ngay từ các tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sau khi cân đối cung cầu đã nhận thấy tình hình cung cấp điện sẽ khó khăn cho khu vực miền Nam, nhiều nơi đã bị mất điện cục bộ do quá tải đường truyền. 

Trong mùa khô 2013, đã có 2 đợt ngừng cung cấp khí là Nam Côn Sơn và Tây Nam bộ để bảo dưỡng. Theo kế hoạch, năm 2014, EVN sẽ sản xuất và mua hơn 143,6 tỷ kWh điện, tăng 9,57% so với năm 2013, với sản lượng này sẵn sàng đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn so với dự kiến tăng trưởng. Tuy nhiên, do một số công trình nguồn điện phía Nam vào chậm tiến độ nên khả năng sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện ở miền Nam. 

Để đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội và không ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế miền Nam, Dự án Đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh các hạng mục tại văn bản số 47/TTg-CN.

Nếu như mục tiêu của Đường dây 500kV mạch 1 truyền tải điện từ miền Bắc vào giải quyết tình trạng thiếu điện cho miền Trung và miền Nam, mạch 2 đưa điện ngược lại từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc, thì đường dây 500kV mạch 3 được xây dựng để nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc - Trung, khắc phục nguy cơ sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện trên các đường dây truyền tải. 

Ngoài ra, mạch dây này tạo mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện và góp phần giảm chi phí vận hành của hệ thống khi gia tăng truyền tải công suất của các nhà máy điện ở miền Bắc vào miền Nam...

Với chiều dài dự kiến khoảng 822km, mạch kép; đường dây 500kV mạch 3 kéo dài từ trạm 500kV Vũng Áng (Hà Tĩnh) đi Trung tâm Điện lực Quảng Trạch (Quảng Bình), trạm 500kV Dốc Sỏi (Quảng Ngãi) và điểm cuối là Trạm 500kV Pleiku 2 (Gia Lai). Đường dây đi qua 8 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai và Đà Nẵng.

Hiện nay, khi hàng loạt nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Ialy, Trung tâm nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh đều nằm ở phía Bắc và miền Trung, Đường dây 500kV mạch 1, 2 luôn phải truyền tải công suất lớn và sản lượng cao, đưa điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân các tỉnh phía Nam. Vì vậy Đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông được xây dựng và đưa vào vận hành sẽ có vai trò đặc biệt quan trong đối với hệ thống truyền tải 500kV của Việt Nam. 

Đặc biệt công trình còn góp phần tăng cường an ninh hệ thống điện quốc gia, trong trường hợp  xảy ra bấy kỳ sự cố nào vẫn đảm bảo truyền tải công suất cao vào các tỉnh phía Nam. Trong tình hình một số dự án nguồn điện ở khu vực miền Nam chậm tiến độ, việc xây dựng Đường dây 500kV mạch 3 được xem là cứu cảnh giải quyết tình trạng thiếu điện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận từ năm 2014.

Mặc dù đã có kinh nghiệm từ xây dựng Đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, nhưng mỗi giai đoạn đều có những khó khăn riêng.

Ở thời điểm xây dựng Đường dây mạch 1, chỉ có 4 công ty xây lắp làm trụ cột, song thời điểm này không có nhiều đường dây cấp điện áp 110kV, 220kV phải xây dựng, đến khi triển khai mạch 2 cũng vẫn chỉ có 4 đơn vị xây lắp, nhưng cùng thời gian này, các đơn vị phải dàn quân thi công hàng trăm công trình lưới điện 110kV và 220kV khắp cả nước... 

Lần này đích được đặt ra là phải hoàn thành trong vòng hai năm rưỡi trong điều kiện muôn vàn khó khăn về giải phóng mặt bằng và thời tiết khắc nghiệt, sự “đỏng đảnh” của điều kiện tự nhiên của vùng Tây Nguyên.

Rút kinh nghiệm từ triển khai xây dựng Đường dây 500kV mạch 2 và mạch 3, lãnh đạo EVN nhận thức hết các khó khăn và việc đầu tiên là tranh thủ sự đồng lòng ủng hộ của lãnh đạo, nhân dân các tỉnh có đường dây đi qua. Cụ thể là làm việc trực tiếp, ký kết hợp tác với lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố bảo đảm cung cấp điện cho các tỉnh có đường dây đi qua, thống nhất các điều kiện để triển khai xây dựng Đường dây 500kV mạch 3. 

Đường dây Nhà máy điện Thăng Long. Ảnh: TTXVN

Theo đó, sớm hoàn thành các thủ tục về bàn giao chi tiết tuyến, không để phát sinh nhà cửa, công trình trong hành lang tuyến đường dây đã thỏa thuận; phê duyệt đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng; tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư trong công tác bồi thường phóng mặt bằng, đáp ứng mục tiêu tiến độ đưa dự án vào vận hành; bảo đảm đủ quỹ đất cho thực hiện dự án; cho phép thực hiện một số cơ chế để đẩy nhanh bồi thường phóng mặt bằng... vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công. Nếu có hư hỏng đơn vị thi công có trách nhiệm sửa chữa để bảo đảm lưu thông và hoàn trả theo hiện trạng ban đầu sau khi hoàn thành công trình… 

Vì chạy song song với mạch 1 và mạch 2, nhưng những vị trí có địa hình đẹp, mạch 1 với lợi thế đi trước đã “chiếm” từ 10 năm nay và mạch 2 cũng đã phải vào sâu hơn nên đường dây 500kV mạch 3 sẽ phải thi công ở các vị trí hiểm trở hơn rất nhiều và để bảo đảm tiến độ, cần thiết phải đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến rừng.

Với những bất lợi nêu trên, việc thi công mạch 3 Đường dây 500kV sẽ tiếp tục là cuộc “thử lửa” đối với những người thợ điện Việt Nam. Một lần nữa những người truyền tải, những người thợ điện lại vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.

Nhưng cũng một lần nữa, thực tế đã chứng minh tính đúng đắn, sáng suốt và nhạy bén của Chính phủ trong quyết định xây dựng Đường dây 500kV mạch 3 (Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông) cũng như việc đặt niềm tin vào tài năng, trí tuệ và bản lĩnh của đội ngũ ngành điện./.

Bài 4: Tạo tiền đề liên kết lưới điện khu vực Đông  - Tây Nam Bộ 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục