Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Từ quý II sẽ đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng

19:54' - 03/03/2022
BNEWS Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện, Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhập khẩu để bù đắp thiếu hụt đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng trong quý II/2022.

Liên quan đến vấn đề đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu cũng như kiểm soát ổn định giá xăng dầu, chiều 3/3, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thứ  trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện, Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhập khẩu để bù đắp thiếu hụt đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng trong quý II/2022.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến đời sống người dân và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng 70-75%, thậm chí 80% do hai nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn cung ứng.

Tuy nhiên, do khó khăn nội tại, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất và nay chỉ còn 50% nên việc giao hàng cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (đã có hợp đồng ký kết) giảm so với thỏa thuận hai bên. Theo đó, tháng 2 Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm 43%, tháng 3 giảm 20%.

Cùng đó, Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng đã tăng công suất vào 7/2/2022 lên 105% để bù đắp cho sự thiếu hụt từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất. Nhưng, mức tăng của Lọc hóa dầu Bình Sơn chỉ tăng của được 5% (28.000m3) chưa đủ bù cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất nên dẫn đến một số nơi, cục bộ khan hiếm xăng dầu. Theo đó, miền Bắc và miền Trung khan hiếm xăng dầu, nhưng miền nam một vài địa phương có hiện tượng thiếu hụt. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu để bù đắp và trong tháng 3 cơ bản đáp ứng được.

Dự kiến tháng 4 Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cam kết sẽ hoạt động 100% công suất đảm bảo cung ứng đủ nhưng chưa có văn bản chính thức. Hiện, Bộ Công Thương cũng giao 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhập khẩu để bù đắp thiếu hụt đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng trong quý II/2022 nếu Lọc hóa dầu Bình Sơn không đủ cung ứng.

Về việc giá xăng tăng rất mạnh ảnh hưởng lớn đến giá cả hàng hóa, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, ngày hôm qua (2/3) giá dầu thế giới đã tăng thêm hơn 10USD/thùng.

Quan điểm của cơ quan điều hành là trước hết phải điều hành giá bám vào các quy định của pháp luật hiện hành, cao nhất là Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu đã rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 15 ngày/lần xuống 10 ngày/lần để bám sát hơn với giá thế giới. Tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP cũng có điều khoản là nếu giá xăng dầu ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế-xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều hành sớm hơn.

Tuy nhiên, Chính phủ và cơ quan điều hành bao giờ cũng phải tính toán tới mục tiêu bình ổn giá. Với chu kỳ điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần, Liên Bộ Công Thương-Tài chính tính toán cũng phù hợp với tập quán kinh doanh, chu kỳ hàng hoá của các doanh nghiệp, chu kỳ để tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như đủ thời gian để cho cơ quan quản lý nhà nước cập nhật dữ liệu.

Chính phủ, cơ quan điều hành khi điều hành giá xăng dầu cân nhắc rất nhiều chiều, nhiều yếu tố, phải hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, người dân, mục tiêu quản lý CPI, tránh tạo ra tiền lệ, tránh để bản thân doanh nghiệp sử dụng sức ép đối với cơ quan điều hành để điều hành chỉ có lợi cho doanh nghiệp. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục