Thủ tướng: Các bộ, ngành, khẩn trương vào cuộc giúp nhân dân ổn định đời sống sau bão

21:09' - 06/11/2017
BNEWS Các bộ, ngành, địa phương phải tích cực vào cuộc chỉ đạo, hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ và trực tiếp xuống các địa phương chịu thiệt hại bởi bão số 12, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

"Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao phải tích cực vào cuộc chỉ đạo, hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ và trực tiếp xuống các địa phương chịu thiệt hại bởi bão số 12, giúp nhân dân ổn định cuộc sống; kiên quyết không để người dân nào phải sống trong cảnh đói, rét, màn trời chiếu đất. Đây là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện ngay".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 12 và mưa lũ sau bão do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức chiều 6/11, tại Hà Nội.

Sau khi nghe các bộ, ngành, địa phương báo cáo về công tác ứng phó cũng như thiệt hại do bão số 12 gây ra. Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình có người bị chết, lời thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị thương và mất tích; biểu dương các bộ, ngành, địa phương trong công tác ứng phó với bão, mưa lũ trong thời gian qua, đặc biệt là cơn bão số 12.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nhiều lãnh đạo các địa phương đã "lăn lộn" tại hiện trường nơi xảy ra bão lũ để chỉ đạo kịp thời việc ứng phó với bão, do vậy đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Theo Thủ tướng, công tác dự báo khí tượng thuỷ văn và việc điều tiết hồ chứa tại miền Trung trong thời gian qua được thực hiện tốt. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống và ứng phó với bão lũ đối với Trung ương và các địa phương trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cả hệ thống chính trị phải quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân vùng bão lũ; lưu ý tập trung lực lượng, phương tiện kịp thời để ứng cứu khi thiên tai đột xuất xảy ra, đặc biệt quan tâm đến người dân ở Đà Nẵng, Quảng Nam nơi diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC, đảm bảo các hoạt động diễn ra an toàn, thành công.

Các bộ ngành, địa phương, đơn vị chức năng cần tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất, tinh thần đối với những nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 12; các đơn vị liên quan trong đó nòng cốt là công an, quân đội giúp dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa, khôi phục các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt... Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhanh chóng khôi phục lại lưới điện cho nhân dân; Bộ Y tế chuẩn bị thuốc trên cơ sở đề xuất của địa phương nhằm phục vụ việc cứu chữa và phòng chống dịch bệnh sau lũ, Thủ tướng lưu ý.

Liên quan đến công việc sau bão lũ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện tốt nhất các chính sách đối với người dân vùng lũ, tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, tiến hành vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phối hợp thực hiện dự án nâng cấp các hồ chứa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện việc quy hoạch lại dân cư đối với các vùng bị sạt lở đất, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương thường xuyên cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai sát với thực tế để các địa phương chủ động, kịp thời ứng phó với bão, mưa lũ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định cấp gạo cứu trợ cho các địa phương bị thiệt hại bởi bão số 12 (tỉnh thiệt hại nặng cứu trợ ít nhất 500 tấn, tỉnh thiệt hại nhẹ từ 100-200 tấn).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 12.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng giao Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng đề án hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, tăng cường năng lực cơ quan tham mưu phòng, chống thiên tai các cấp ở Trung ương và địa phương; tăng cường trang thiết bị, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác phòng, chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương; bố trí nguồn lực để tiếp tục thực hiện Quyết định 1002 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đảm bảo đúng tiến độ đã được phê duyệt; tăng cường đầu tư nâng cao năng lực chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai về đê điều, hồ đập và cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 15 giờ 30 phút, ngày 6/11, bão số 12 đã làm 46 người chết (Quảng Ngãi 3, Bình Định 3, Khánh Hòa 27, Lâm Đồng 3, Kon Tum 1, Đắk Lắk 1 và 8 người do sự cố tàu vận tải). 15 người mất tích: Quảng Ngãi 1, Bình Định 3, Phú Yên 1, Khánh Hòa 5 và 5 người do sự cố tàu vận tải).

Đã có 1.358 ngôi nhà bị sập đổ: (Quảng Ngãi 1, Bình Định 125, Phú Yên 87, Khánh Hòa 993, Gia Lai 16, Đắk Lắk 119, Đắk Nông 14, Lâm Đồng 3); 114.866 nhà tốc mái, hư hỏng (Quảng Ngãi 151, Bình Định 616, Phú Yên 14.504, Khánh Hòa 97.930, Ninh Thuận 65, Gia Lai 140; Đắk Lắk 1.334, Kon Tum 27, Đắk Nông 12, Lâm Đồng 87).

Có 10 tàu trên đó có 101 thuyền viên bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0, Cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (riêng tàu Thanh Hải 18 hiện chưa xác định được số thuyền viên). Hiện các lực lượng chức năng đã cứu vớt được 88 người, 8 người chết và 5 người mất tích; 1.286 tàu cá bị chìm, hư hỏng (Đà Nẵng 4, Quảng Ngãi 3, Bình Định 19, Phú Yên 119, Khánh Hòa 1.141) và nhiều thiệt hại về nông nghiệp, thủy sản và lưới điện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục