Thủ tướng: Chính phủ điện tử phải lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu

14:59' - 23/07/2019
BNEWS Thủ tướng đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết số 17 ngày 7/3/2019 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.
Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Chính phủ điện tử phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Sáng 23/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Báo cáo tại hội nghị về tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Ủy ban, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban cho biết, đến nay đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện...

Đã cơ bản hoàn thành nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, giải pháp xác thực tập trung và xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu cho vòng đời của một con người, doanh nghiệp để triển khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm trong tháng 9/2019 và vận hành chính thức trong tháng 11/2019. Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đang tích cực phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp công nghệ thông tin, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) và gửi lấy ý kiến góp ý các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước; cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố và đang xây dựng phần mềm phục vụ kết nối hệ thống căn cước công dân với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, Bộ Công an đã thu thập thông tin được 80 triệu phiếu, đạt 86% và scan được khoảng 25 triệu dữ liệu. Các đề án về không gian địa lý quốc gia, về tài nguyên và môi trường đang được xây dựng, dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 11/2019.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban cho rằng, việc rút kinh nghiệm cách làm hay ở các bộ, địa phương là việc cần thiết và cần phát huy cách làm nào tốt nhất, tiết kiệm nhất, an toàn nhất, đạt kết quả tốt nhất để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển là câu hỏi lớn đặt ra.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử "chúng ta không bàn lùi, không được để những khó khăn về tài chính, khó khăn về kết nối, chia sẻ v.v... mà không triển khai, mà phải làm mạnh mẽ hơn, tốt hơn".

Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Chính phủ điện tử phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Thủ tướng đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết số 17 ngày 7/3/2019 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Trong đó, nhiều đơn vị làm tốt như Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Cùng với đó, thiết lập cơ quan chỉ đạo liên ngành là Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử và các ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử từ bộ, ngành địa phương để tăng hiệu quả phối hợp từ trung ương đến địa phương.

Thủ tướng cũng hoan nghênh việc triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử trong các cơ quan hệ thống hành chính nhà nước, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, đất đai, tài chính... Công tác đảm bảo an toàn an ninh cũng đã được quan tâm cải thiện.

Nhìn vào những tồn tại hạn chế trong việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử nói chung và Nghị quyết 17 nói riêng, Thủ tướng cho rằng, số lượng dịch vụ công trực tuyến có tăng lên nhưng tỷ lệ thực hiện còn thấp, hiệu quả chưa cao: "Nói phục vụ người dân mà, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn khá thấp". 

Một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo hành lang pháp lý cho xây dựng Chính phủ điện tử chưa được ban hành như các quy định về định danh xác thực điện tử, kết nối chia sẻ dữ liệu về quản trị dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, công tác văn thư lưu trữ điện tử về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.

Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng phát triển công nghệ Chính phủ điện tử còn chậm. Tình trạng xây dựng chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử theo kiểu “trăm hoa đua nở”, thiếu sự lãnh đạo tập trung nên cấp bộ, ngành, địa phương dùng nhiều phần mềm nền tảng cơ sở dữ liệu khác nhau dẫn đến nguy cơ đầu tư trùng lặp, lãng phí không tương thích. Việc bố trí ngân sách cho Chính phủ điện tử còn gặp nhiều khó khăn.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu "làm cho thiết thực, sao cho bền vững chứ không hình thức". Trên tinh thần đó, Thủ tướng định hướng một số nội dung. 

Trước hết, về tầm nhìn, phải xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Việc xây dựng Chính phủ điện tử để giải quyết 4 mối quan hệ gồm 2 bên ngoài: Chính phủ và người dân, Chính phủ với  doanh nghiệp; 2 nội bộ: giữa các cơ quan Chính phủ với nhau và giữa Chính phủ với cán bộ, công chức.

Thủ tướng nhấn mạnh đến nguyên tắc xây dựng Chính phủ điện tử phải đảm bảo liên thông, không trùng lắp, có thể mở rộng và đảm bảo an toàn, an ninh mạng. 

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh phương châm "lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu" và phải đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Dịch vụ công trên nền tảng số phải thuận tiện vì làm cho người dân dùng.

Trong ảnh: Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Cần tận dụng tối đa công nghệ thông tin, công nghệ mới đi đôi với đào tạo căn bản cho cán bộ từng ngành, địa phương. Thủ tướng cũng giao Bộ Thông tin Truyền thông nghiên cứu dữ liệu dùng chung, phương án đầu tư hay thuê dịch vụ, trình Thủ tướng phê duyệt, tránh lãng phí.

Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm là cần thiết kế lại các quy trình cung cấp dịch vụ công phù hợp, nhất là các dịch vụ công thiết yếu. Việc quản trị dữ liệu, dữ liệu là tài nguyên trong nền kinh tế số là vấn đề cốt lõi của chuyển đổi Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

"Chúng ta cần tăng tốc trong nửa chặng đường còn lại năm 2019", Thủ tướng nói và đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chủ động nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 17, đặc biệt cần sớm hoàn thành ngay các nhiệm vụ đã quá hạn như đề án thực hiện lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan Nhà nước, việc sử dụng các thiết bị máy móc cho hệ thống thông tin Chính phủ điện tử, đảm bảo an toàn thông tin mạng, giải pháp liên thông hệ thống chứng thực chữ ký số…

Khẩn trương xây dựng và trình theo đúng tiến độ các nghị định về quản lý kết nối chia sẻ dữ liệu về định danh và xác thực điện tử, về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghị định thay thế Nghị định 110/CP về công tác văn thư; Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Tập trung sớm đưa vào vận hành cổng dịch vụ công quốc gia dự kiến tháng 11/2019 và Trục liên thông văn bản quốc gia; đồng thời khẩn trương xây dựng hoàn thiện cổng dịch vụ công hệ thống thông tin một cửa cấp bộ, cấp tỉnh, hoàn thành cung cấp dịch vụ công cấp độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng đã phê duyệt giai đoạn 2017-2019 và triển khai kết nối chia sẻ dữ liệu cho cổng dịch vụ công quốc gia.

Thủ tướng cũng lưu ý đến nhiệm vụ đảm bảo an ninh an toàn và đề nghị Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Ủy ban thường xuyên đôn đốc xây dựng Chính phủ điện tử. "Cơ quan nào bàn lùi làm chậm báo cáo Thủ tướng để kiểm điểm nhắc nhở, đôn đốc xử lý", Thủ tướng chỉ đạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục