Thủ tướng chủ trì hội nghị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng

09:41' - 12/02/2023
BNEWS Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững...

Sáng 12/2, tại tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng, với chủ đề “Liên kết phát triển – Đổi mới sáng tạo – Xanh và bền vững”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đồng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; Bí thư các tỉnh, thành ủy; Chủ tịch UBND 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng; đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đối tác phát triển, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, vùng sẽ trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao; giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng.

Ở vùng Đồng bằng sông Hồng có tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước.

Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

Đến năm 2045, “Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh.

Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.”

Chương trình hành động xác định 21 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng. Đó là, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm; đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ/vạn dân; giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính.

Nghị quyết của Chính phủ đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị; Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết vùng; Phát triển kinh tế vùng; Phát triển bền vững hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại.

Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bằng Sông Hồng để giúp vùng phát triển đột phá, gồm: các dự án xây dựng đường cao tốc, đường sắt, đường thuỷ có tính kết nối vùng, các dự án nâng cấp các cảng hàng không, đầu tư xây dựng mới cảng biển trong vùng; đồng thời đã phân công cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện với lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể.

* Trước khi khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dự khai mạc và tham quan Triển lãm Ảnh nghệ thuật với chủ đề “Vùng Đồng bằng sông Hồng: Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững” và gian hàng trưng bày sản vật đặc trưng, sản phẩm công nghiệp và tư liệu xúc tiến đầu tư của các địa phương trong Vùng.

TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục