Thủ tướng đối thoại chính sách với chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước

19:06' - 25/09/2024
BNEWS Phiên Đối thoại chính sách nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh", chiều 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại chính sách với các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.

Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; đại diện các nước, các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và quốc tế.

* Chuyển đổi là yêu cầu khách quan

Phiên Đối thoại chính sách nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia; đồng thời kiến nghị những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.

Phiên đối thoại chính sách được diễn ra sôi nổi, thực chất, dưới hình thức hỏi đáp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành trao đổi sâu rộng với các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước về định hướng chính sách kinh tế của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, phát triển xanh, bền vững; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; các chính sách, đặc thù và bứt phá khuyến khích, kêu gọi đầu tư trong những lĩnh vực trên…

Trả lời câu hỏi về cơ chế, chính sách tạo đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế, nhất là chuyển đổi công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, Đảng đã có chủ trương, đường lối về chuyển đổi kinh tế, trong đó có Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính phủ đã và đang hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, Chính phủ phải nắm chắc tình hình, phân tích, đưa ra các giải pháp để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mình và tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu thế thế giới.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc chuyển đổi công nghiệp là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Chính phủ đang tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế; xây dựng các cơ chế chính sách để huy động nguồn lực nhằm phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, hạ tầng xã hội; nâng cao năng lực quản trị; đào tạo nguồn nhân lực; huy động sự chia sẻ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Trả lời câu hỏi về cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển đất nước, bao gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và vật liệu mới, Thủ tướng Chính phủ cho biết, muốn phát triển khoa học, công nghệ, trước hết phải phát triển giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo khoa học cơ bản để làm nền tảng cho phát triển khoa học, công nghệ. Do đó, Đảng xác định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu và thúc đẩy thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Từ nhận thức đó, Chính phủ đã thể chế hóa bằng pháp luật, các cơ chế, chính sách, các chương trình…; huy động nguồn lực vào phát triển khoa học, công nghệ; có giải pháp về cán bộ, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì đất nước vì nhân dân.

Trước câu hỏi về việc Chính phủ đã làm gì để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, do biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên… khiến vấn đề phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn được thúc đẩy và Việt Nam xác định không hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề môi trường tác động đến mọi người dân, mọi quốc gia nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân. Trong đó, cần nâng cao nhận thức của người dân và có chính sách huy động sự tham gia của người dân phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Trả lời câu hỏi về tiến trình của Trung ương, địa phương thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện nay Trung ương đang làm chính sách, đường lối, cơ chế, luật pháp, chương trình, kế hoạch; đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản lý, huy động nguồn vốn… cho vấn đề này. Còn địa phương phải chủ động thực hiện theo thẩm quyền để thực hiện theo chủ trương, đường lối, chính sách của Trung ương, vận dụng một cách tốt nhất phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể; huy động sự tham gia của người dân và doanh nghiệp.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng cho biết, phải thực hiện chuyển đổi năng lượng, từ năng lượng phát thải nhiều carbon sang năng lượng sạch, năng lượng xanh, trong đó có lộ trình chấm dứt hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than thay bằng năng lượng nguyên tử, điện gió, điện mặt trời, hydrogen, điện sinh khối, khí hóa lỏng… Việt Nam đã ban hành và thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng nói trên; ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp và sắp ban hành trong tuần tới nghị định về khuyến khích điện mặt trời mái nhà.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam cũng quan tâm phát triển giao thông xanh, xe điện, vận tải ít phát thải; thúc đẩy xây dựng các dự án lớn về đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị… Việt Nam đang làm rất tích cực và cần sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, như các nước G7 hỗ trợ Việt Nam thông qua quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG).

Về câu hỏi đối với chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để phát triển Việt Nam xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, trong đó có nguồn lực từ FDI. Vì các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đưa vào Việt Nam tài chính, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực… mà còn giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Muốn thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã và đang hoàn thiện thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thúc đẩy phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng xã hội để giảm chi phí logictics, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các nhân lực cho các ngành mới nổi…, với phương châm “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người và quản lý phải thông minh”.

Khẳng định, Việt Nam luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, Thủ tướng Chính phủ mong muốn các nhà đầu tư yên tâm, tiếp tục đầu tư lâu dài, hiệu quả tại Việt Nam.

* Cùng hành động để cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc

Phát biểu kết thúc cuộc đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước việc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn kinh tế lần thứ 5 với quy mô lớn hơn, thu hút đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế. Nội dung chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh" là vấn đề rất thời sự, đồng thời thể hiện vị trí, vai trò của Thành phố trong quá trình chuyển đổi công nghiệp.

Về chủ đề của Diễn đàn là "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững”, Thủ tướng Chính phủ cho rằng khi tình hình thay đổi phải có cách ứng xử phù hợp, thích ứng với tình hình để tiếp tục phát triển đi lên.

Phân tích tình hình thế giới hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các vấn đề tác động tới mọi người dân và tại tất cả các quốc gia, do đó phải có cách tiếp cận toàn cầu, tiếp cận toàn dân, nhất là đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thông tin về các yếu tố nền tảng của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam đang thực hiện đường lối đổi mới với 3 trụ cột: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình này, không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, an sinh xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thông tin những nét chính về đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng, phát triển văn hóa, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng…, cũng như quá trình chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đến nay Việt Nam có quy mô GDP năm 2023 đạt khoảng 433 tỷ USD, đứng 34 trên thế giới, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất về quy mô thương mại quốc tế, thu nhập bình quân đầu người từ trên dưới 100 USD khi bắt đầu đổi mới tăng lên khoảng 430 USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm.

Sau đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn đang trên đà phục hồi tăng trưởng; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách trong giới hạn quy định; bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế. An sinh xã hội, đời sống người dân được cải thiện; chính trị -xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế là điểm sáng. Trong thành tựu chung đó, Thành phố Hồ Chí Minh có đóng góp quan trọng, kể cả trong lúc khó khăn do đại dịch COVID-19.

Nêu rõ vị trí, vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh đối với cả vùng và cả nước, Thủ tướng Chính phủ đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong đổi mới, luôn là trung tâm tăng trưởng, tiên phong trên nhiều lĩnh vực, trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân.

Thủ tướng đồng tình cao với ý kiến của các đại biểu về yêu cầu chuyển đổi công nghiệp toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, ngang tầm lịch sử, nhân dân năm sau luôn được hạnh phúc, ấm no hơn năm trước, phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa kinh tế, xã hội, môi trường. Thủ tướng tin tưởng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Thành phố sẽ đạt được mục tiêu này.

Cho rằng, chuyển đổi công nghiệp phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống, vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan tới các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm..., Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao; quản trị thông minh; huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển Thành phố.

Cho biết trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành là tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, các chương trình, đề án phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp thực hiện phương châm “hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ”, “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp”. Đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, Thành phố phải đảm bảo “hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh” để các doanh nghiệp phát triển; doanh nghiệp thành công cũng là thành công của Thành phố và của cả nước.

Đối với các đối tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn dành cho Việt Nam ưu đãi về tài chính; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối toàn cầu; góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm trong quản trị; đóng góp ý kiến cho Việt Nam hoàn thiện thể chế…

Nhấn mạnh tinh thần “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển; cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào”, Thủ tướng tin tưởng, với sự chân thành, các đại biểu dự Diễn đàn "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh” và Đối thoại chính sách đều có "món quà" mang về, đó là kiến thức mà Diễn đàn, Đối thoại mang lại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục