Thủ tướng họp trực tuyến: Hà Nội không để dịch lây sang "vùng xanh" và vùng nông thôn

22:04' - 31/08/2021
BNEWS Phường Thanh Xuân Trung - nơi "nóng" nhất Hà Nội về dịch COVID-19, nhưng hiện tại đang thiếu người chỉ huy cao nhất trong phòng, chống dịch.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 17 giờ ngày 30/8 đến 17 giờ ngày 31/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.607 ca nhiễm mới, trong đó 16 ca nhập cảnh và 12.591 ca trong nước.

Thành phố Hồ Chí Minh có số người mắc cao nhất (5.444), Bình Dương (4.530), Đồng Nai (634), Long An (587), Tiền Giang (214), Đồng Tháp (138), Đà Nẵng (123), Tây Ninh (118)…; trong đó có 7.231 ca trong cộng đồng.

Như vậy, so với số người mắc COVID-19 được công bố trong ngày 30/8, số ca mắc được công bố trong ngày hôm nay giảm 1.628. Tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm 445 ca, Bình Dương giảm 1.520 ca, Đồng Nai tăng 143 ca, Long An tăng 63 ca, Tiền Giang giảm 7 ca.

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 457.882, trong đó có 236.086 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Ngày 31/8, có 10.044 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 238.860.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến ngày 30/8 là 11.064 người, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc, cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Hà Nội dễ rơi vào bị động, lúng túng

Chiều 31/8, ngay sau khi kiểm tra Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tình hình và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).

Thủ tướng đã có cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo thành phố Hà Nội tại đầu cầu Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố. Cuộc làm việc cũng được kết nối trực tuyến tới gần 600 điểm cầu phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô.

Trên tinh thần thẳng thắn, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế mà Thủ tướng và Đoàn công tác nghi nhận từ thực tế. Đó là người dân vẫn ra đường khá đông, chưa đạt kết quả giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Việc kiểm tra cho thấy, nếu tình hình vẫn như hiện nay thì thành phố còn có thể kiểm soát được, song nếu dịch diễn biến phức tạp, xấu hơn như một số tỉnh, thành phố phía Nam thì Hà Nội dễ rơi vào bị động, lúng túng.

Phường Thanh Xuân Trung - nơi "nóng" nhất Hà Nội về dịch COVID-19, nhưng hiện tại đang thiếu người chỉ huy cao nhất trong phòng, chống dịch. 

Phường đã có Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, song lại không có quy chế làm việc. Khi thị sát, Thủ tướng cảm nhận rằng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch của phường thiếu người “trực chiến”... Đây là những vấn đề thành phố cần khắc phục ngay.

Đối với thành phố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải cố gắng không để dịch lây sang các "vùng xanh" và không để dịch lây lan về vùng nông thôn, vì nông thôn vừa yếu hơn về phòng, chống dịch, vừa là nơi cung cấp nhu yếu phẩm cho xã hội; phải đảm bảo lưu thông hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức "sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất".

Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những hạn chế để điều chỉnh và giúp đỡ xã, phường cả về nhân lực, vật lực để phòng, chống dịch hiệu quả; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác phòng, chống dịch…

Thủ tướng lưu ý thành phố Hà Nội cần tăng cường việc giãn cách xã hội, nhất là trong thời gian nghỉ lễ sắp tới.

Khánh thành Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 tại Hà Nội

Chiều 31/8, Bộ Y tế đã tổ chức khánh thành Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 với quy mô 500 giường tại Hà Nội (trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

Bệnh viện với vai trò là một trung tâm hồi sức tích cực quốc gia sẽ là nơi tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch và chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở y tế trong khu vực.

Bệnh viện được chia thành ba khu: nhà màu xanh là khu hành chính của bệnh viện, bảo đảm không nhiễm khuẩn; nhà màu vàng là khu dinh dưỡng - nghỉ ngơi - xét nghiệm, test định kỳ - kho vật tư thiết bị y tế; nhà màu đỏ dành cho bệnh nhân nặng điều trị ICU (hồi sức tích cực). Ngoài ra, còn có khu đệm gồm 69 nhà tắm khử khuẩn với nhiều không gian xanh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, ngoài chuẩn bị lực lượng, phương tiện cho bệnh viện dã chiến này, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ở cơ sở chính (ở phố Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa) cũng cần cung cấp đầy đủ dịch vụ y tế toàn diện, bình đẳng, nhanh chóng, nghĩa là không chỉ tập trung cho bệnh nhân COVID-19 mà cần đảm bảo khám chữa bệnh các bệnh thông thường khác.

Lộ trình tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn thành phố với số lượng 7,208 triệu người trong năm 2021. Đây là nội dung quan trọng trong kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vừa được UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.

Theo đó, thành phố sẽ tổ chức tiêm cho toàn bộ người dân trên địa bàn đủ độ tuổi quy định có chỉ định sử dụng vaccine, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng người cao tuổi, người có bệnh lý nền, thai phụ từ 13 tuần trở lên, bà mẹ đang cho con bú, lực lượng tuyến đầu chống dịch (những người chưa tiêm), lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định lộ trình tiêm cụ thể. Theo đó, giai đoạn 1 (từ ngày 29/8 – 15/9), thành phố tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine với khoảng 2 triệu người. Giai đoạn 2 (từ 16 - 30/9) tiêm bao phủ mũi 1 cho 10% còn lại của người từ 18 tuổi trở lên với khoảng 720.000 người; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine (khoảng 656.900 người).

Giai đoạn 3 (từ 16/10 – 31/12/2021) tiêm mũi 2 cho 1,4 triệu người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine trong giai đoạn từ ngày 29/8 – 30/9. Như vậy, tổng cộng số lượng theo từng loại vaccine cần sử dụng là 8.145.900 liều, trong đó sử dụng cho mũi 1 là 1,4 triệu liều, còn lại là mũi 2.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 8/3 đến ngày 27/8, thành phố đã tiêm được 5,806 triệu mũi tiêm, trong đó có 273.767 mũi 2. Ngoài ra các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố được Bộ Y tế phân bổ khoảng 500.000 liều vaccine. Tính đến nay đã có khoảng 83% người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn thành phố được tiêm vaccine phòng COVID-19./.

>>Thủ tướng kiểm tra đột xuất các điểm nóng về dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục