Thủ tướng: Ngành dệt may chuyển mạnh sang tạo giá trị gia tăng cao

18:41' - 13/12/2019
BNEWS Chiều 13/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành dệt may ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu cần chú trọng hơn tới thị trường gần 100 triệu dân trong nước... Đặc biệt là phải chuyển mạnh từ hình thức gia công sang hình thức giá trị gia tăng cao.

Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Hiệp hội đã làm tốt việc kết nối giữa các doanh nghiệp với Chính phủ, góp phần quan trọng vào sự tăng tốc, phát triển của ngành. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm nay của ngành dệt may ước đạt 39 tỷ USD, xuất siêu khoảng 16,6 tỷ USD.

Thủ tướng cho biết, sau 20 năm thành lập, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã có khoảng 7.000 doanh nghiệp, không chỉ giải quyết việc làm tại thành phố mà cả ở vùng khó khăn.

Điều này đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là vùng nông thôn, từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp.

Hiệp hội cũng tích cực và chủ động tham vấn chính sách, nhất là trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Do đó, giúp các doanh nghiệp trong ngành mở rộng thị trường.

Thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành dệt may tiếp tục có những tham vấn với Chính phủ trong hình thành các chính sách, nhất là chính sách về ngành.

Đồng thời tạo ra thương hiệu của ngành trong khu vực và quốc tế, mang lại lợi ích lâu dài cho các thế hệ mai sau.

Thủ tướng giao mục tiêu cho ngành dệt may đến năm 2030 phải phấn đấu xuất khẩu đạt 110 tỷ USD, tập trung vào số lượng, chất lượng và xây dựng thương hiệu.

Thủ tướng đề nghị đến năm 2030 có ít nhất 30 thương hiệu của ngành đóng góp trong thương hiệu dệt may thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Muốn thực hiện điều đó, theo Thủ tướng, ngành dệt may cần tiếp tục kết nối doanh nghiệp để hình thành các chuỗi giá trị gia tăng cao, toàn cầu; tham gia vào chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó,  chủ động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thay đổi mô hình quản trị hiện đại để thành công.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, đến nay, Hiệp hội có 487 hội viên chính thức, 500 hội viên liên kết, làm tốt vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với nhau, tham gia các đoàn đàm phán hiệp định thương mại tự do của Chính phủ và tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại các nước.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh: Hằng Trần/TTXVN

Qua 20 năm xây dựng và phát triển Hiệp hội Dệt May Việt Nam gắn liền với quá trình đổi mới và phát triển của đất nước, Hiệp hội đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, tập trung nguồn lực tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Mặt khác, Hiệp hội hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ là cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên với nhau, với các tổ chức quốc tế, với Chính phủ và các bộ ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển nhanh với kim ngạch xuất khẩu tăng trên 20 lần trong 20 năm, góp phần đưa Việt Nam là một trong 3 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lao động.

Nhân dịp này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục